Chủ Nhật, tháng 8 06, 2006

Tết xưa của người Hà Nội

Có thể nói tôi sinh ra trong một gia đình khá "lễ giáo" theo lối người Hà Nội xưa, mặc dù chúng tôi gốc gác không phải là người Kẻ Chợ.Quê nội tôi nằm ở một làng nhỏ ven Hà Nội thuộc Kinh Bắc - nơi phát tích của dòng họ Lý. Nhưng ông bà nội tôi đã chuyển ra Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Quê ngoại tôi ở Hà Đông nhưng ông bà ngoại cũng chuyển ra Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Có lẽ chính vì thế mà gia đình tôi vẫn còn giữ một vài những nếp xưa (học đòi theo lối) của người Kẻ Chợ. Một trong số ấy là thói quen chuẩn bị và đón Tết.

Tôi còn nhớ những ngày giápTết bao giờ cũng là những ngày náo nức và tấp nập nhất trong đại gia đình chúng tôi. Trước ngày ông Táo về trời, tôi theo chân bà đi chợ Long Biên - Bến Nứa.Đối với chúng tôi, những gia đình sống quanh khu Yên Phụ - Hàng Than thì chợ Long Biên cũng giống như chợ Đồng Xuân của những người dân trên các phố Hàng Lược - Hàng Đào hay chợ Hàng Da đối với những người dân ở các phố Hàng Bông - Hàng Điếu vậy. Chợ Long Biên nằm ngay Đê Yên Phụ, cạnh bến xe Bến Nứa. Chợ nằm cách nhà vài con phố, qua dốc Hàng Than một tý là đến nơi, nên bà cháu tôi thường thong thả đi bộ. Là chợ đầu mối nên nó có đủ thứ thựcphẩm, nguyên vật liệu, và đặc biệt là nó bán giá rẻ hơn những chợ trung tâm khác. Bà thường mua lá dong ở đây (thấy bảo rất rẻ vì người ta chở ngay từ mạn ngược về theo đường sông Hồng). Rồi thì gạo nếp, đỗ xanh, miến, bóng, mộc nhĩ, măng khô, bánh đa nem, vân vân. Không hiểu không khí nhộn nhịp của chợ Tết hay là cảm giácđược tham dự vào cái Tết của người lớn đã khiến tôi, cô bé con mới 9, 10 tuổi đầu khi ấy, háo hức đến thế. Như thể đó cũng là một phần nghi lễ quan trọng của ngày hội năm mới đối với tôi. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn nhớ cái không gian tôi tối, chật ních hàng hóa, cùngvới những lối đi nhỏ, nhem nhép bùn giữa các gian hàng,và cái không khí ồn ào huyên náo của buổi chợ Tết - tiếng gà, lợn kêu, tiếng người mặc cả, khen chê, có cả tiếng còi rất "mất trật tự" chốc chốc lại ré lên của những người quản lý chợ. Lúc về, bà hay gọi xích lô cho đỡ nặng. Giáp Tết, trời rét căm căm, lại lất phất mưa. Tôi co ro trong chiếc áo bông, ngắm nhìn những con phố lầm lũi trong mưa bụi, thoáng nghe đâu đó tiếng bà than phiền với bác xích lô: "Năm nay rét thế không biết đào có ra hoa được không?!"

Qua cái Tết ông Táo, các hộ gia đình trong phố tôi thường nô nức chuẩn bị gói bánh chưng. Người ta vác ở đầu về những cái thùng phuy to đùng, rồi củi, để đun bánh. Nhà tôi có cô út làm mậu dịch viên nên cũng mượn được cái thùng phuy to tướng. Bố lễ mễ chở sau xe đạp về nhà. Tết dường như đã bước vào nhà cùng với chiếc thùng phuy của bố. Nhà tôi hay gói bánh vào 27 hoặc 28 Tết. Bố tôi là con trai trưởng nên ở cùng ông bà và phải chịu trách nhiệm lo bánh cho cả đại gia đình, nghĩa là ngoài gia đình tôi còn thêm gia đình bác cả chị ruột của bố, và gia đình hai cô. Bác và hai cô đều ở trên phố cổ, chật chội không có chỗ đun bánh. Những ngày gói bánh là những ngày vui không thể tả nổi đối với bọn trẻ con chúng tôi. Đi học quanh năm, bây giờ mới là dịp để anh em con chú con bác tụ tập nhau lại. Tôi còn nhớ mẹ và các cô thường rửa lá, vo gạo, vo đỗ dưới sân, ríu rít chuyện trò (nhà ông bà tôicũng giống như hầu hết các nhà ống khác của phố cũ Hà Nội,bao giờ đi hết một gian nhà cũng là một khoảng sân rộng nối liền gian nhà trên với bếp). Mẹ bảo rằng gói bánh chưng là một quy trình hết sức công phu, ngay từ khâu chuẩn bị. Trước hết lá phải rửa kỹ để khỏi mốc bánh nhưng không được làm nát hoặc rách lá. Gạo ngâm phải vừa đủ lâu để bánh được rền nhưng không được lâu quá kẻo nhão bánh. Vo phải hết sức cẩn thận kẻo sót sạn thì bánh không ngon, lại phải thật sạch để bánh khỏi bị chua, có thể để đến qua Rằm. Đỗ trước hết phải lăn chai cho vỡ rồi ngâm nước ấm để tách vỏ và phải sàng sảy thật kỹ kẻo sót vỏ đỗ, người ăn sẽ chê người gói vụng. Sảy đỗ có lẽ là công việc tỉ mỉ và mệt nhất. Tôi nhớkhông biết bao lần lưng mẹ như đã oằn xuống trước mỗi rá đỗ xanh. Xong khâu chuẩn bị thì khâu gói bánh cũng cầu kỳ không kém. Thường thì muốn bánh vuông vức, người ta phải dựng khuôn trước rồi mới đổ gạo, đỗ, và nhân. Nhưng mẹ gói bánh rất tài tình, không cần dựng khuôn mà chiếc nào chiếc nấy vẫn vuông chằn chặn và rất đều nhau. Nhà tôi năm nào cũng gói đến trên mười cân bánh, để dành cho cả ra Giêng.Hà Nội những năm bao cấp nghèo lắm, nghèo đến mức bánh chưng cũng là một thứ xa xỉ mà chỉ có dịp Tết mới được ăn thật nhiều, nên nhà nào cũng cố gói dư dư để dành đến ra Giêng rán lên cho lũ trẻ con còn chút dư âm của những ngày Tết no đủ đã qua.

Khâu luộc bánh chưng luôn là khâu mà lũ trẻ con chúng tôi háo hức nhất. Mẹ bao giờ cũng gói sẵn vài chiếc bánh tý hon từ chỗ gạo, đỗ, và nhân còn thừa lại, để riêng cho chúng tôi.Những chiếc bánh ấy gọi là "bánh thử". Những chiếc "bánh thử" được vớt ra đầu tiên cho trẻ con nếm mà không cần đợicúng cụ, còn gì sướng bằng. Lũ chúng tôi chạy nhảy hò hét chán, chốc chốc chạy lại chỗ đun bánh hỏi bao giờ "bánh thử"chín, thể nào cũng được bà mắng cho một câu: "Quẩn chân!" Ấy thế mà vẫn cứ sán lại, háo hức. Nhất là đến khi bánh được vớt ra, xếp chật một dãy nhà ngang, chèn thêm tấm ván lên trên cho ráo nước, - mặc dù đã được ăn trước bánh thử - lũ chúng tôi vẫn xúm lại hà hít, để bà lại mắng cho: "Bánh này là để cúng cụ, đứa nào ngửi là phải tội, bà cho ăn đòn!"

Chiều Ba mươi Tết, mẹ đun một nồi nước lá mùi to tướng để tắm "tẩy trần" cho chị em tôi. Nước lá mùi thơm như một hoài niệm, một nếp xưa, tôi chẳng biết có từ khi nào, truyền lại từ đời nào, nhưng thiêng liêng như là cội nguồn, mà chỉ có ai thấm đẫm trong không gian ấy mới cảm nhận được. Những năm xa xứ sau này, mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ quay quắt nồi nước lá mùi của mẹ. Tết nơi xa xứ, dù có bánh chưng xanh,dưa hành, câu đối đỏ, nhưng thiếu hương lá mùi phảng phất, thì vẫn là thiếu tất cả.

Bữa cơm chiều Ba mươi cúng cụ có đủ các món cầu kỳ mà ngày thường không mấy khi có dịp nấu đến. Và những món ấy lặp lại đầy đủ trên mâm cơm cúng ba ngày Tết, cho đến tận khi làm lễ Hóa vàng tiễn các cụ. Sau bữa cơm chiều (tất niên) mẹ và bà lại lụi cụi thổi xôi, luộc gà, chuẩn bị cúng Giao thừa, rồi bày bàn thờ và mâm ngũ quả. Còn chị em tôi theo chân bố đi chợ hoa Tết. Chợ hoa Hàng Lược cách nhà tôi độ mười phút đi bộ, người đông như nêm. Đi chợ hoa đêm Ba mươi là một cái thú. Thú ngắm người, ngắm phố phường, ngắm trời đất sắp bước vào giây phút giao hòa. Ba bố con đi dạo mộtvòng, có năm mua vài bông violet tượng trưng, có năm chẳng mua gì, vì hoa Tết thực ra đã mua từ hôm trước rồi chứ chẳng ai đợi đến đêm Ba mươi mới đi mua cả.

Sáng Mùng Một Tết, sau khi ngủ dậy, thay quần áo chỉnh tề, việc đầu tiên của chị em tôi là ra trước bàn thờ cúng cụ rồi vào khoanh tay chúc Tết ông bà. Sau đó ngồi im xem vô tuyến, chờ cúng cụ xong thì ăn cơm. Sáng Mùng Một là phải ngoan, không được chành chọe nhau, không được làm đổ vỡ, không được chạy ra ngoài đường. Sáng Mùng Một không ai mắng trẻ con bao giờ, mà cũng chẳng cần phải mắng. Khôngkhí trang trọng trong nhà cũng đủ làm cho lũ trẻ con chúng tôi e dè và trật tự hơn bao giờ hết. Sau bữa cơm sáng, bố chuẩn bị pháo, chờ khách đến xông nhà thì đốt. Pháo nổ càng giòn,càng to thì càng được coi là may mắn. Mùi thuốc pháo thơm nồng, quyện lẫn trong mùi hương trầm phảng phất, sao náo nức và thiêng liêng đến thế. Sau này, nhà nước có quy định cấm đốt pháo, dù vẫn biết như thế sẽ an toàn hơn cho người dân, nhưng tôi vẫn cảm thấy như thiếu vắng, như nhớ thương một không gian Tết chỉ còn trong ký ức.Thời thế bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi. Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều rồi. Bây giờ chẳng ai gói bánh chưng nữa.Người ta đặt gói, hoặc mua sẵn cho tiện. Mà Tết bây giờ cũng chả mấy ai ăn bánh chưng. Các món ăn cổ truyền ngày Tết như canh bóng nấm hương, canh măng chân giò, thịt kho đông, giò thủ, bò kho, áp chảo, v.v... bị chê là ngán, thừa thịt thiếu rau, không cân bằng dinh dưỡng. Phở, bún, miến các loại lên ngôi. Ngay xưa chả ai ăn ốc đầu năm, nhưng bây giờ,bún ốc lại là món đắt hàng nhất trong những ngày Tết ở HàNội. Trước Tết gọi điện về nhà thấy mẹ bảo năm nay nhà lại gói bánh chưng, chứ bánh ở ngoài sạn lắm, ăn không được, bỗng tất cả ký ức xưa lại ùa về trong tôi. Một không gian cổ kính, trầm mặc, có dáng mẹ cặm cụi bên rổ gạo nếp, lá dong,và tiếng pháo đì đẹt xa xa, báo hiệu mùa Xuân về.

(Nguyễn Thủy Minh, Auckland. Mùng Một Tết Ất Dậu - NCTG)

2 nhận xét:

  1. vô tình lạc vào nhà chị qua link của 1 người bạn đăng bài chị viết về Tết xưa của người Hà Nội, em thích lắm, vì cũng giống nhà em nhiều phần:). Chị là con gái Nhâm Tý phải ko ạ? Và cũng sinh vào cung Kim Ngưu?. Em là con gái Nhâm Tuất, cũng sinh cung Kim Ngưu, ko biết có phải thế chăng mà tìm thấy quá nhiều đồng cảm khi đi dọc hết blog chị sau 1 buổi dọn dẹp cúng ông công ông táo (nhà em cúng sớm chị ạ)...

    Trả lờiXóa
  2. chị ơi, em cũng đang bắt đầu chuyển dần sang blogspot nên ko biết làm thế nào để có thể thăm viếng blog của chị thường xuyên:(, em tìm hoài ko thấy có chỗ gửi lời mời híc híc

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.


Thống kê web