Chủ Nhật, tháng 8 06, 2006

Nghĩ lại về Pauxtovski - "Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa"!

Tặng chị Acia của em!

Thế hệ chúng tôi và những thế hệ sau Bằng Việt không phải đi qua chiến tranh, không phải học trong những "trường sơ tán". Cũng không có kỷ niệm với những "đồi trung du phơ phất bóng thông già ...". Nhưng những gì Bằng Việt viết về Pauxtovxki - "một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa" - tươi đẹp như ước mơ của tuổi trẻ về tình yêu và hạnh phúc, như niềm tin vào CHÂN-THIỆN-MỸ thì thiết nghĩ không một ai yêu văn Pauxtovxki mà lại không đồng cảm.

Tôi còn nhớ tập truyện ngắn song ngữ đầu tiên mà tôi đọc khi còn theo học tiếng Nga - tình cờ lại là tập truyện "Lẵng quả thông". Truớc đó tôi chưa từng đọc văn Pauxtovxki. Giọng văn trong trẻo, phong cách lãng mạn, trữ tình, và đặc biệt là tính nhân văn trong những truyện ngắn của ông khi ấy thu hút tôi mãnh liệt. Tôi chép tất cả những đoạn văn hay bằng tiếng Nga vào một quyển sổ và ... học thuộc lòng . Tôi cũng chọn Pauxtovxki cho bài tập dịch đầu tiên của mình. Bài tập ấy, tôi bị thầy giáo chê, gạch bút đỏ choe choét. Nhưng như một niềm đam mê, tôi vẫn tiếp tục dịch Pauxtovxki cho chính mình.

"Em còn nhớ mùa thu năm 1911 không? Trời âm u, biển mù mịt. Có một người con gái đi lướt qua tôi trong công viên. Người con gái đó chính là em. Tôi biết rằng mình có thể yêu em đến tan nát tâm hồn ..."

"Từ ngày ấy tôi yêu Krum và con đường nhỏ ... nơi tôi đã gặp em trong phút giây và mất em vĩnh viễn ... " (Tuyết)

Dù là "Tuyết", "Bình minh mưa", hay "Âm nhạc Verdi", không gian trong văn Pauxtovxki thường lãng đãng sương khói, nhuốm vẻ u hoài. Nhưng trong cái lãng đãng u hòai đó bao giờ cũng cháy lên một ngọn lửa ấm áp của tình người. Tôi còn nhớ đã đọc như mê đi cái không gian tuyết trắng phủ kín con đường dẫn lên đồi nơi có ngôi nhà của Tachiana ("Tuyết"), có cánh cổng gỗ kẽo kẹt và chiếc chuông gió không bao giờ kêu. Căn phòng trống trải có chiếc dương cầm đóng bụi. Và bản nhạc dang dở bên chồng thư chưa ai bóc. Bỗng có một ngày, bản nhạc ấy lại vang lên êm dịu, chiếc chuông gió lanh canh thật vui tai, cánh cổng không còn kẽo kẹt mỗi khi khép mở. Và con đường đã dọn sạch tuyết, sẵn sàng đón một người trở về ... Tôi đã khóc khi đọc đọan văn ấy, khóc cho hạnh phúc muộn màng của Tachiana, khóc vì tấm lòng nhân hậu của Pauxtovxki ... Tôi cũng nhớ cái không gian mù mịt sương của "Bình minh mưa", tiếng còi tàu trên bến cảng, con đường gập ghềnh trong đêm hun hút ... Nhưng rồi tất cả bỗng như tan biến trong căn phòng nhỏ có "người đàn bà không quen":

Cái không thể đã thành có thể
Con đường dài hóa dễ với ta
Nhọc nhằn chi mấy cũng qua
Cuối đường tìm kiếm khi ta thấy nàng

Không gian trong "Âm nhạc Verdi" - cái không gian của biển mùa đông, mưa phùn và ẩm ướt - thì thật sự đã vỡ òa khi người giới thiệu đọc lời đề tặng của người nhạc sĩ nhân hậu dành cho cô gái trẻ - món quà mà ông đã hứa sẽ dành tặng cô nhân ngày cô tròn 18 tuổi, rất nhiều năm về trước. Bản nhạc rung lên, nó không còn là âm nhạc nữa. Nó là tiếng gọi của chân-thiện-mỹ. Nó đưa ta đến nơi "không có đau khổ nào có thể làm nhạt nhòa tình yêu, nơi mặt trời rực rỡ như những vòng thiên triều trên đầu các nàng tiên". Đó cũng chính là thông điệp mà Pauxtovxki muốn gửi gắm tới người đọc:

"Dù người ta có nói với cháu thế nào đi chăng nữa thì cháu cũng hãy cứ tin rằng cuộc đời tươi đẹp lắm" (Lẵng quả thông)

Thông điệp mang đậm tính nhân văn của Pauxtovxki, dù đó là những lời tiên đóan về hạnh phúc của anh chàng kể chuyện cổ tích Andexen trong "Chuyến xe đêm", hay món quà của người nhạc sĩ già trong "Âm nhạc Verdi", hay những món quà của nàng tiên trong "Lẵng quả thông" đều làm rung động trái tim người đọc. Thế giới văn chương của Pauxtovxki thần tiên như cổ tích, trong trẻo như tuổi thơ, tràn ngập thứ ánh sáng rực rỡ của hạnh phúc như tuổi trẻ. Có lẽ vì vậy mà nó đã dựng nên "một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa" trong lòng mỗi người yêu văn chương.

Pauxtopxki là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu
Anh hiểu rằng không phải...
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Ðưa em đi... Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pauxtopxki đã chết!
..........

Tôi vẫn nghĩ đến Pauxtovxki như một điều tiếc nuối. Tiếc nuối cái thế giới trong trẻo "Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!". Những cảm nhận về hạnh phúc, những niềm tin vào con người, những ước mơ lung linh như ánh nến ...

Cái thế giới chẳng dễ gì còn thấy lại được nữa, khi mà:

"Ta đã lớn. Và Pauxtovxki đã chết"

Nhưng có lẽ, dù không còn dễ tin vào những điều kỳ diệu, vẫn đọng lại trong chúng ta một cái gì đó, phải không ... để chúng ta trở nên người hơn, và cũng biết trân trọng hơn:

"Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tảLại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn"

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1 March 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.


Thống kê web