Thứ Tư, tháng 9 13, 2017

Nhớ mưa

Hoa Pohutukawa
(Cây này còn gọi là New Zealand Christmas Tree)
(Taken on my trip back there in Dec, 2009)


Nhớ mưa
Ca sỹ: Mỹ Linh

Ngồi bên hiên lắng nghe mưa rơi
Chiều mình em ngồi bên quán vắng
Giọt cà phê đắng hơn trên môi
Em lắng nghe từng tiếng chiều rơi

Lại một ngày nữa đang trôi qua
Lại một ngày rời xa mãi mãi
Vì cuộc đời vốn không như mơ
Em vẫn biết rằng sẽ lìa xa

Một mình nơi đây im nghe tiếng mưa
Rồi nghe tiếng trái tim em đang vụn vỡ
Vẫn biết thế rồi sao vẫn đau lòng
Không muốn tin anh nay đã xa rồi

Một mình nơi đây im nghe tiếng mưa
Từng ngày qua trong em còn mãi những tiếc nuối
Tiếng mưa đã ngừng rơi mà trái tim còn buồn

Mùa đông qua những cơn mưa phùn
Lạnh lùng thêm dọc con phố vắng
Ào ạt rơi những cơn mưa hè
Tháng sáu mưa nhiều người đã vắng xa nơi đây mình em

Một mình nơi đây im nghe tiếng mưa
Rồi nghe tiếng trái tim em đang vụn vỡ
Vẫn biết thế rồi sao vẫn đau lòng
Không muốn tin anh nay đã xa rồi

Một mình nơi đây im nghe tiếng mưa
Từng ngày qua trong em còn mãi những tiếc nuối
Tiếng mưa đã ngừng rơi mà trái tim còn buồn

Từng ngày qua đi em vẫn chờ
Chờ mong từng tiếng mưa rơi ở tận xa xôi nơi nào
để con tim không còn buồn đau nữa

(Trong album Tóc Ngắn Acoustic)

http://www.youtube.com/watch?v=nPrR6MPgY0g

Read More!

Chủ Nhật, tháng 10 09, 2011

Singapore (7)


Hot chilli chocolate
(served at a cafe in Lygon St, downtown Melbourne)


Viết tiếp về những cái mình không thích ở Singapore:

1. Taxi: Một cái khổ ở Sin là bình thường thì taxi chạy đầy đường nhưng hễ lúc cần thì không bao giờ gọi được. Không phải chỉ vào giờ cao điểm mà vào bất cứ giờ nào. Có lần mình cần ra sân bay lúc 1h trưa mà gọi 5-6 hãng đều không có xe. Chả hiểu tài xế trốn đâu hết?

Đi taxi cuối tuần mới gọi là kinh hoàng. Từ 10h đêm trở đi là vô cùng khó bắt taxi. Các điểm đón taxi đều đông kín những người đứng xếp hàng chờ xe trả khách. Có lúc phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Gọi xe lúc này cũng khó vì hầu như các hãng đều book kín.

Có lần mình giở trò láu cá, tìm 1 khách sạn gần nhất để đón taxi ở sảnh, hòng trốn xếp hàng, nhưng mà cũng hên xui. Có lúc thì có xe ngay. Có lúc cũng phải chờ cả tiếng. Và gọi xe thì luôn luôn không có.

Mình phát hãi vụ chờ taxi ở Sin. Cho nên nhiều khi về khuya mà vẫn "nghiến răng" đi bus or MRT.

2. Cà phê kiểu Sin thật là kinh khủng.

Singapore cũng có Starbuck & Coffee Bean. Nếu mua cà phê ở đây thì họ sẽ pha theo tiêu chuẩn phương Tây, rất ổn.

Nhưng nếu trót mua cà phê ở các hawker's centre thì bạn phải biết tiếng Singlish để lựa chọn đúng kiểu cà phê bạn muốn. Tiếng Singlish có hàng chục từ chỉ các kiểu pha chế cà phê khác nhau:

  • Kopi, coffee with condensed milk
  • Kopi-gau, coffee with condensed milk in strong brew – "gau" (Chinese: ; pinyin: hòu) means "thick" in Hokkien
  • Kopi-po, coffee with condensed milk in weak brew – "po" (Chinese: ; pinyin: báo) means "thin" in Hokkien
  • Kopi-C, coffee with evaporated milk
  • Kopi-C-kosong, coffee with evaporated milk and no sugar - "kosong" means "empty" or "nothing" in Malay
  • Kopi-O, coffee with sugar only - means "coffee black" colloquially
  • Kopi-O-kosong, coffee without sugar or milk
  • Kopi-O-kosong-gau, a strong brew of coffee without sugar or milk
  • Kopi-bing or Kopi-ice, coffee with milk, sugar and ice
  • Kopi-siu-dai, coffee with less sweetened milk
  • Kopi-gah-dai, coffee with extra sweetened milk
(Theo wikipedia)

Các bạn Sin giống các bạn VN ở chỗ pha cà phê sữa bằng sữa đặc. Nhưng các bạn lại hay pha quá tay. Nên uống cà phê sữa kiểu Sin giống như uống sữa đặc có mùi cà phê, chứ không phải là uống cà phê sữa nữa. Nó ngọt khé cổ. Và thật sự là rất khủng khiếp.

Sau vài lần phải uống cái thứ cà phê đó mình mới biết nếu muốn gọi cà phê pha sữa tươi thì phải nói rõ là "Kopi C".

Nhưng nhìn chung là mình give up. Thèm cà phê, nhất định chỉ uống Starbuck hay Coffee Bean mà thôi.

3. Ăn sáng kiểu Sin.

Mình nói rõ là mình chỉ ghét một món duy nhất trong bữa sáng kiểu Sin thôi, đó là món soft-boiled egg. Yuk!!!

Bữa sáng kiểu ăn nhanh của người Sin có một món gọi là kaya toast, tức là bánh mỳ kẹp mứt làm từ dừa, ăn kèm trứng luộc chưa chín rưới xì dầu!!

Nhớ là trứng luộc chưa chín chứ không phải trứng lòng đào nhé. Tức là đập quả trứng ra thì lòng trắng lòng đỏ vẫn còn chảy tong tong xuống bát ý. Người ta sẽ chấm bánh mỳ vào cái nước trứng đó. Thậm chí còn bưng bát lên húp sùm sụp nữa cơ.

Thật sự là khủng khiếp. Lần đầu tiên mình không biết nên suýt ngất khi đập quả trứng. Và mình đã bê bát trứng ra bắt đền nhà hàng trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh :D.

Những lần sau mình toàn phải từ chối quả trứng, nếu như nhà hàng kiên quyết lắc đầu không cho mình một quả trứng luộc kỹ (hard-boiled) :D.

4. Sầu riêng.

Mình nghĩ mình là người khá cởi mở về mặt ăn uống. Vứt mình ở đâu mình cũng sống được vì dễ thích nghi với thức ăn đồ uống. Thậm chí có thể thỏa hiệp 1 số nguyên tắc ăn uống, ví dụ sẵn sàng ăn phở với giá sống và rau húng, cùng tương đen tương đỏ, ăn canh cá biển nấu ngọt, hay uống sô-cô-la pha ớt (*) :P.

Nhưng có một thứ mình không bao giờ thỏa hiệp được, đó chính là sầu riêng.

Mới ngửi mùi mình đã muốn chết. Thế mà ngày nào cũng phải ngửi cái mùi đó khắp nơi nơi: bến tàu bến xe, chợ ướt, siêu thị, vv.

Mình chỉ ước người ta cấm món sầu riêng để đỡ làm khổ cái mũi của mình. Nhưng mà có lẽ điều ước đó rất viển vông.

Người Sin và người Malay nghiền món này đến mức còn có món sô-cô-la sầu riêng!!

Do vậy mình sẽ không khi nào thoát được món này nếu còn sống ở đây!!

Ghi chú

(*) Món sô-cô-la ớt này mình đã từng nếm ở 1 hiệu cà phê trên phố Lygon, khu downtown Melbourne.

Xem phần 1 ở đây.

Xem phần 2 ở đây.

Xem phần 3 ở đây.

Xem phần 4 ở đây.

Xem phần 5 ở đây.

Xem phần 6 ở đây. Read More!

Chủ Nhật, tháng 8 07, 2011

Singapore (4)

Post vài cái ảnh rồi viết tiếp note về S'pore. Xem phần 1, phần 2 & phần 3.

 East Coast Park
 Sentosa

 Bintan, Indonesia (cách S'pore 45' đi phà)

 Chínese Garden

Nhà hàng Marché ở ga Sommerset
 Món súp nấm của Marché

Món súp nấm mình tự nấu theo công thức Thụy Sĩ chính hiệu  ;)

 Món cua ớt "quốc hồn quốc túy" của S'pore

Đây là một bữa ăn đặc ... Tàu ở hawker centre.
Đĩa cua bên tay trái chính là món cua hạt tiêu.

Một phòng hậu phẫu tư ở BV ĐH Quốc Gia S'pore. 
Phòng bệnh này có giá hơn $100SGD/ ngày.
Có TV màn hình LCD, phòng tắm và vệ sinh riêng, rất sạch sẽ

 Vịnh Marina lúc chiều xuống

Và tổng duyệt cho ngày Quốc Khánh 9/8/ 2011

Chúc mừng sinh nhật lần thứ 46 của S'pore!
Read More!

Chủ Nhật, tháng 7 31, 2011

Singapore(1)

Tháng Bảy năm nay là tròn 3 năm mình sống ở Singapore. Hai tháng nữa cũng là tròn 2 năm mình trở thành Singaporean PR, mà theo luật, đã đủ điều kiện để nộp đơn vào quốc tịch :P (*).

Muốn viết lại những quan sát của mình về đất nước, con người và cuộc sống nơi đây. Nhiều người quen của mình vẫn chê Singapore là một đất nước buồn chán, tẻ nhạt, chả có gì ngoài các tòa nhà cao tầng và trung tâm mua sắm. Nhưng mình không nghĩ như vậy. So với Hà Nội, Singapore có nhiều thứ để làm hơn (mình không nói về mua sắm). Cuộc sống ở đây cũng bình yên hơn rất nhiều.

Trước hết mình viết về những điều mình thích ở Singapore.

1. Singapore là một đất nước thân thiện với thiên nhiên, ở đâu cũng bắt gặp màu xanh của cỏ cây hoa lá. Đất ở đây đắt như vàng, nhưng không vì thế mà người Singapore tranh thủ từng m2 đất để xây cao ốc. Ngược lại, họ vẫn để ra những khoảng đất trống để trồng cây, trồng cỏ và làm công viên. Vì vậy mà tuy đất chật người đông, không khí vẫn thoáng đãng. Mình không có cảm giác ngột ngạt như khi ở HN.

Ở Singapore rất hiếm người có nhà mặt đất như ở VN vì rất đắt. Phần lớn mọi người sống ở các khu chung cư (condo hoặc HDB). Trước đây nghĩ đến chung cư là mình hay nghĩ đến những khu nhà mọc san sát nhau, không có thiên nhiên, tẻ nhạt và thô cứng. Nhưng có lần đến nhà một người bạn chơi mình đã thay đổi suy nghĩ. Bạn mình sống ở Bukit Gombak. Cửa sổ phòng ngủ của bạn nhìn ra một ngọn núi, một cánh rừng và một hồ nước, vô cùng là xanh tươi và bình yên. Bạn bảo ở S'pore có rất nhiều những khu chung cư "phong thủy" như vậy. Nếu định cư ở đây chắc mình cũng phải mua một căn hộ như vậy, vì nó quá tuyệt vời.

Khu nhà mình ở hiện nay cũng rất nhiều cây cối. Từ cửa sổ mình nhìn ra là một màu xanh bình yên. Những buổi sáng cuối tuần vắng vẻ còn có thể nghe thấy chim hót và quạ kêu. Đôi khi còn nhìn thấy những con khỉ nghịch ngợm nhảy nhót trên đường đi làm về, rất thích.

Thiên nhiên là một điều không thể tìm được ở Hà Nội. Trong khi ở đây thì không hề thiếu. Mình thích nhất là những buổi chiều đi bộ thể dục được ngửi mùi thơm ngát rất dễ chịu của cỏ. Một điều lạ là, ở Hà Nội cũng có nơi có cỏ, nhưng không bao giờ mình ngửi được mùi cỏ cả. Có lẽ vì HN ô nhiễm quá chăng?

Nhiều người vẫn nói ở VN có tiền là có tất cả. Mình thấy không đúng. Có một thứ mà ở VN dù có tiền cũng không mua được, đó là chất lượng cuộc sống. Có tiền cũng chỉ làm được cho ngôi nhà của mình sạch đẹp, nhưng bước chân ra khỏi cửa là kinh hoàng rồi.

2. Điều thứ hai mình thích ở đây là sự đa dạng và phong phú về ẩm thực. S'pore là một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc. S'pore có 3 nhóm sắc tộc chính, đó là người Hoa (chiếm đa số), người Mã Lai, người Ấn Độ, ngoài ra còn một bộ phận không nhỏ dân nhập cư và người nước ngoài đến đây làm việc từ khắp nơi trên thế giới. Do đó ẩm thực cũng vô cùng ... đa văn hóa và đa sắc tộc. Muốn ăn đồ Thái, Hàn, Nhật, Việt, Pháp, Ý, Thụy Sỹ, thậm chí ... Hungary cũng có. Người S'pore ăn hàng rất nhiều. Hầu như họ không nấu ăn ở nhà mà đi ăn hàng, vì đồ ăn phong phú và dễ tìm quá đi. Ở bất cứ khu mua sắm và khu chung cư nào cũng có food court/ hawker centre (như kiểu các quán ăn bình dân ở VN). Nhà hàng cũng có ở khắp nơi, đủ chủng loại, từ bình dân đến cao cấp.

Có một nhà hàng Thụy Sỹ mà mình vô cùng thích tên là Marché ở gần ga Sommerset. Nhà hàng này độc đáo ở chỗ nó được bố trí như một cái chợ ẩm thực. Khách vào được phát thẻ từ, sau đó đi dạo quanh chợ, muốn ăn gì thì đưa thẻ để quẹt, khi ra khỏi cửa hàng sẽ thanh toán một thể. Các món ăn ở đây được đầu bếp làm tại chỗ, ngay trước mặt khách, do chính khách tự tay chọn thực phẩm. Nhà hàng này có món súp nấm rất ăn với bánh mỳ nóng rất tuyệt vời. Tuyệt đến nỗi ăn xong mình phải hỏi ngay một người bạn lấy chồng Thụy Sỹ để xin công thức nấu. Bạn G. nhà mình cũng cực kỳ mê món này, mỗi lần sang toàn đòi mình nấu cho ăn. Nhưng mình lười, nấu mỗi một lần, còn lại thì toàn dắt ra Marché chén hehe. Súp nấm béo ngậy và thơm mùi kem tươi, ăn nóng, trong nhà hàng bày trí rất ấm cúng với bàn ghế bằng gỗ mộc, có cảm giác như đang đi nghỉ đông trong một căn nhà gỗ trên núi ở Thụy Sỹ vậy.

Nhà hàng này còn có món thịt cừu nướng và cơm rang Tây Ban Nha cũng tuyệt vời. Pizza cũng tuyệt nữa. Nói chung là mình rất thích, lần nào có bạn ở VN sang cũng dẫn đến đây ăn.

Nếu muốn ăn đồ Việt Nam ở đây thì mình thích đến Indochine. Có 2 quán mà mình hay đến, một quán trên Orchard, ngay dưới tầng hầm của trung tâm mua sắm Wisma. Quán này có món nộm bưởi và gỏi cuốn cực ngon. Mình cũng hay ăn bánh xèo ở đây nữa. Quán Indochine này có nhạc sống từ sau 7h tối. Ngồi ăn, nghe nhạc và ngắm người qua lại lúc chập choạng tối là một cái thú. Quán Indochine kia gần Asian Civilization Museum, ngay cạnh bờ sông. Quán nay sau 8h tối cũng có nhạc sống. Mình thích quán này vì view rất đẹp. Mình cũng thích đến đây từ chiều tối, ngồi ngắm hoàng hôn xuống rất thư giãn. Quán này có món gỏi vịt rất ngon. Phở ở cả hai quán đều ngon, ngon hơn Phở Hòa ở Holland Village rất nhiều, nhưng mà là phở nấu theo kiểu miền Nam. Mà nói chung cứ ra khỏi biên giới VN là đừng hy vọng có phở Bắc để ăn. Mình đã ăn phở ở nhiều nơi, kể cả ở "trung tâm người Việt tị nạn" ở quận 13 Paris hay khu Bolsa, quận Cam California cũng chưa bao giờ được ăn phở Bắc.

Ở food court khu mua sắm Ion cũng có 2 chỗ bán đồ Việt. Orange Lantern có món bánh mì Sài Gòn rất ngon. Nhưng gỏi cuốn thì rất chán, bún khô và rau thơm không tươi. Còn quán Vietnamese Cuisine thì có mấy món bún thịt nướng khá ngon. Phở thì tùy hôm, không phải lúc nào cũng ngon.

Món "quốc hồn quốc túy" của S'pore là món cua hạt tiêu (black pepper crab) và cua ớt (chilli crab). Có người liệt kê cả cháo ếch và laksa nữa. Cua ớt ăn ở các food court là rẻ nhất mà vẫn chất lượng. Theo một người bạn của mình thì quán cua ớt ngon nhất là ở gần ga Buona Vista. Còn cháo ếch thì mọi người hay ăn ở khu đèn đỏ Geylang. Mình thì thấy mấy món này không có gì đặc biệt nhưng mà bạn G. nhà mình thì rất khoái. Mình chỉ thích món bakuteh (súp sườn heo) và charkway teow (giống phở xào VN) của S'pore thôi, phải nói là ngon tuyệt ấy.

3. Singapore rất đông đúc, nhưng mà vẫn có thể tìm thấy những nơi vắng vẻ để uống cà phê. Quán cà phê Starbuck cuối đường Orchard là một ví dụ. Mình rất thích ngồi đây vào cuối tuần vì nó rất vắng. Ngồi nhìn nắng và hít thở không khí nhiệt đới, quên cả thời gian trôi đi. Quán này để bàn ghế tràn ra ngoài đường nên nếu không muốn ngồi điều hòa thì có thể ra ngồi vỉa hè.

Ở S'pore mình ghét nhất là suốt ngày phải ngồi điều hòa. Chỗ nào cũng điều hòa, từ văn phòng, các khu mua sắm, đến tàu điện và xe buýt. Hồi mới sang mình toàn bị ốm vì không quen. Nên thỉnh thoảng được ngồi quán ngoài vỉa hè (mà lại sạch sẽ, không có ruồi và rác như ở HN) thật dễ chịu.

(Nói thêm về điều hòa, tuy mình ghét ở trong phòng điều hòa suốt ngày nhưng cũng phải công nhận chính phủ S'pore rất khôn. Tốn tí tiền chạy điều hòa nhưng bù lại giữ được năng suất lao động :D. Trời nóng thế mà không có điều hòa thì làm sao đủ sức khỏe để làm việc, mấy ngày hè chạy nhong nhong ngoài đường ở HN mình đã hiểu ra điều ấy).

4. Ở S'pore có rất nhiều chỗ chơi. Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người là S'pore chỉ là chỗ để mua sắm, mình thấy ở đây có rất nhiều chỗ để hoạt động ngoài trời. Một người bạn mình thường bảo, so với HN thì S'pore là chỗ rất tốt cho trẻ con, vì muốn đi biển thì có biển, muốn lên núi thì có núi, ngoài ra còn vô vàn các hoạt động bổ ích khác mà bố mẹ có thể cho các con tham gia để mở rộng kiến thức như đi bảo tàng, zoo, bird park, Science Park, vv.

Các cuối tuần có thời gian mình thích đi dạo ở Chinese garden ở gần nhà, vừa thư giãn với thiên nhiên, vừa tập thể dục luôn. Thỉnh thoảng mình cũng lên East Coast Park thuê xe đạp, đạp dọc bờ biển. Đi hết chiều dài của công viên cũng phải đến 20km. Có những đoạn bờ biển rất đẹp và vắng vẻ, có thể vứt xe ra đấy, nằm lăn ra cỏ, hay là ngồi dưới một gốc cây phi lao ngắm thuyền buồm :P. East Coast có Sea Food Village bán đồ hải sản nướng rất ngon và rẻ.

Hôm nào hứng lên nữa có thể đi phà sang đảo Pulau Ubin để đạp xe. Đảo Pulau Ubin là một hòn đảo chủ yếu chỉ có ngư dân sinh sống. Mọi thứ ở đây vẫn được giữ nguyên hiện trạng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Nên sang đến đây như là bước vào một thế giới khác vậy.

Ngoài ra, S'pore khá gần với các đảo Bintan, Batam của Indonesia nên hôm nào có hứng "xuất dương" thì có thể đi phà sang đây nghỉ ngơi. Đi sang Bintan mất 45', vé phà hạng nhất khoảng $50 (không nhớ rõ nhưng hình như là vậy). Tối thứ sáu đi, tối chủ nhật về, cũng coi như là đi nước ngoài nghỉ cuối tuần vậy :D.

(*) Luật thì là như vậy nhưng bây giờ xin vào quốc tịch không hề dễ vì chính phủ S'pore phải chịu áp lực của người dân, vốn không muốn có nhiều người nước ngoài đến sinh sống ở S'pore, nên đã thắt chặt việc nhập cư. Trước đây những người được gọi là "foreign talents" (lao động cao cấp) như mình thường được mời vào quốc tịch sau 2 năm có PR nhưng bây giờ chắc không còn chế độ "mời" như thế nữa. Read More!

Chủ Nhật, tháng 7 24, 2011

Ước mơ Việt

Đọc Chinatown (của Thuận), có đoạn này, cười muốn chảy nước mắt vì sao mà nó khắc họa đúng thế cái giấc mơ con đè nát cuộc đời con vừa tội nghiệp vừa mỉa mai của đời đời kiếp kiếp trí thức Việt:

"Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết tư bản là gì xã hội chủ nghĩa là gì, cóc cần biết Chirac Putin là một ông hay hai ông. Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô Viết. Con gái học ở Nga, con rể cũng học ở Nga, về nước cả hai làm việc ở các bộ hoặc các trường đại học. Được vài ba năm, cả hai lại cùng thi nghiên cứu sinh, bố tôi sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua bộ óc lợn thứ hai, mẹ tôi cũng không ngại gì cho thêm đỗ, bóc thêm kẹo mậu dịch để nấu bát chè nữa cho con rể. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, hai vợ chồng trẻ tranh thủ vào đảng, phó tiến sĩ kèm theo từ đảng viên mà cho lên các vi dít thì thật là lý tưởng, rồi cũng nên tranh thủ sắm cái tủ lạnh cái vô tuyến để cho vào thùng hàng biển, đừng quên chèn vào xung quanh mấy chục cái nồi hầm và vài trăm vòng bi ô tô để vô tuyến với tủ lạnh đỡ bọ công kênh ba tháng liền trên mặt nước. Nếu còn thời gian thì tại sao không cho ra đời một thằng cu cho nó biết mùi bơ sữa, cho nó bập bẹ tiếng Nga, mười tám năm nữa có quay lại cũng không bị ngơ ngơ ngáo ngáo. Về nước, hai vợ chồng trẻ nên bán đống nồi hầm và vòng bi ô tô cho đỡ cồng kềnh mà mua lấy căn hộ lắp ghép trong khu Kim Liên do kiến trúc sư Liên Xô thiết kế để tủ lạnh và vô tuyến Liên Xô có chỗ mà bày. Được vài năm, hai vợ chồng lại cùng thi nghiên cứu sinh cao cấp, nếu cần bố tôi vẫn còn đủ sức để xếp hàng mua óc lợn, mẹ tôi vẫn còn sức để nấu chè đỗ đen (...) Về nước lần thứ ba, hai vợ chồng lúc đấy vừa trạc bốn mươi, các vi dít tiến sĩ đảng viên vừa in tiếng Việt vừa in tiếng Nga đỏ chói. Vợ trưởng bộ môn, chồng trưởng phòng nghiên cứu, hoặc ngược lại, điểm này cũng không nên câu nệ lắm. Một năm vài lần vào dự tiệc Sứ quán Liên Xô, bắt tay vỗ vai chuyên gia Liên Xô, quay lại Liên Xô tham gia hội nghị khoa học, gặp lại các anh em thương vụ và sứ quán ta ở Matxcơva, nhân tiện mang giúp cho họ một ít áo phông cành mai, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu, chả nhẽ mấy cái thùng các tông lại dùng để đựng có hai tờ giấy đánh máy đề tài nghiên cứu khoa học. Tiền rúp không nên mang về Việt Nam đề phòng Liên Xô đổi tiền lúc nào không biết. Tiền rúp nhờ các anh em thực tập sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi xếp hàng mua hộ mấy nghìn vỉ kháng sinh giúp người bệnh trong nước bệnh gì cũng chữa bằng kháng sinh Liên Xô. Đi lại gặp gỡ như thế sáu cách tiếng Nga cũng đỡ bị quên. Hai vợ chồng nói với nhau, thỉnh thoảng đệm vài từ khờ-ra-sô, con cái vẫn hiểu vì bảy tuổi đã được gửi hết vào các lớp chuyên Nga của Hà Nội, bạn bè đến chơi cũng toàn dân khơ-ra-sô bằng đỏ Liên Xô đang nhăm nhe chức viện phó viện này, hiệu trưởng trường kia, roạt một cái trong túi rơi ra một xấp các vi dít đỏ chói tiến sĩ đảng viên. Đỏ chói như màu bố mẹ tôi vẫn tô hai chữ tương lai. Hai chữ ấy đổ kềnh đổ càng ngày Liên Xô tan rã, sinh viên thực tập sinh Việt Nam ở Nga không còn cả bắp cải mà nấu với thịt cừu. Bố mẹ tôi cho phe chủ nghĩa xã hội một giọt nước mắt còn cho hai chữ tương lai hai cái khăn mùi soa ướt. Cả tuần liền mẹ tôi ốm, bố tôi bỏ cơm, nhà như có đám. Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi gượng dậy. Bố mẹ tôi không khoanh tay bao giờ. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa, quyết tâm tìm địa bàn mới cho hai chữ tương lai ..."

Và địa bàn mới cho hai chữ tương lai ấy giờ đây hẳn nhiên là các nước Tây Âu đang bị mê hoặc bởi mùi ê-dô-tích Á Đông, là phó mát, rượu vang, toi et moi, etc.

PS: Đọc Chinatown, ấn tượng nhất là cái humour của tác giả. Một cái humour rất Bắc Kỳ :P.



(Universal Studio in Osaka, Jul 2010)

Còn đây là ước mơ của trí ngủ Việt: chụp ảnh khoe hàng trên blog :))

Read More!

giáo dục bằng nhục hình

Không thể hiểu nổi tại sao những giáo viên có lối suy nghĩ như thế này vẫn được hành nghề:

http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/869335/

Sử dụng hình phạt theo lối hạ nhục chỉ chứng tỏ một điều là giáo viên đó bất lực. Cách giáo dục bằng đòn roi hạ thấp lòng tự trọng của học sinh, khiến chúng hoặc trở thành những kẻ cam chịu áp bức, hoặc trở thành những kẻ chống đối bất cần. Cả hai trường hợp đó đều là sự thất bại của giáo dục.

Gần đây Bộ GDĐT có quy định cấm giáo viên quát mắng, dọa nạt trẻ em. Tôi nghĩ quy định này cần phải mở rộng thành cấm làm nhục học sinh nói chung chứ không nên chỉ giới hạn ở việc cấm quát nạt. Việc làm nhục có thể có nhiều hình thức. Quát mắng, dọa nạt, đánh đập là hình thức dễ thấy nhất. Nhưng còn việc khiển trách cá nhân học sinh trước tập thể thì không phải ai cũng thấy là phản giáo dục. Các bạn đã từng học ở các nước tiên tiến/ có con cái đi học ở các nước tiên tiến, có bao giờ thấy giáo viên đưa bài làm của học sinh ra trước lớp để chế giễu hay không? Học sinh học lực kém, ý thức kỷ luật kém có bao giờ bị nêu danh trước toàn trường hay trước toàn thể phụ huynh hay không? Việc cố tình làm cho học sinh phải thấy xấu hổ trước tập thể là gì nếu không phải là một hình thức làm nhục chúng?

Nếu hiểu giáo dục nghĩa là khuyến khích được cái tốt đẹp nhất ở mỗi con người thì những hình thức giáo dục nói trên hoàn toàn phản giáo dục vì nó không những không khuyến khích được điều đó mà còn để lại những vết sẹo xấu xí, méo mó trong tâm hồn đứa trẻ. Và thật đáng sợ nếu những đứa trẻ ấy lớn lên trở thành bố mẹ, thầy cô, lại áp dụng đúng cái cách thức giáo dục duy nhất mà chúng được biết đến ấy cho những thế hệ sau, sau nữa. Với hệ quả là những thế hệ công dân chỉ biết sử dụng sức mạnh để làm nhục lẫn nhau, không biết cộng tác trên cơ sở tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.

Bonus thêm một bài:

Giáo viên phải đeo thẻ "Giáo viên chưa đạt chuẩn".

Bó tay! Có cần phải làm nhục ng khác như thế ko?

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/09/3BA13C5D/ Read More!

Bài thơ cũ

Kobe, Japan - July 2010



Tấm hình cây cầu treo(*)
Anh tặng em ngày ấy
Bắc ngang qua vực xoáy
Giữa biển mịt mờ sâu

"Vượt qua mọi khổ đau
Những cây cầu hùng vĩ
Giữ niềm tin em nhé
Dù khốc liệt cuộc đời"

Những tháng ngày chơi vơi
Âm thầm em nhắc lại
Anh bây giờ xa mãi
Lời nhắn buồn trên môi

Cây cầu xưa anh ơi
Không vượt qua khoảng cách.

2001

---
(*) Cây cầu treo Onaruto bắc qua biển nối hai thành phố Kobe và Tokushima. Read More!

Thống kê web