Thứ Ba, tháng 8 22, 2006

Đi xem Drag Queen Show ở Auckland

Ở Auckland gần 5 năm mà không hề biết đến quán bar độc nhất vô nhị này. nếu không lên cơn hồng hồng tuyết tuyết hôm đó thì chắc sẽ chả bao giờ có cơ hội mà "tác nghiệp" thế này. A big thank to Becky and John.

Như đã hẹn, tối thứ Bảy, cô bạn đưa chúng tôi đi bar Finale - một quán bar độc nhất vô nhị ở New Zealand với những màn trình diễn ca-múa-nhạc của các Drag Queen (đàn ông ăn mặc giống phụ nữ, thường là dân gay). Đúng 8 giờ 30, tối chúng tôi có mặt tại số 350 đường Karangahape, trung tâm "cuộc sống về đêm" (night life) ở Auckland (1).

Đón chúng tôi tại cửa là tay bảo vệ người Samoa cao to lừng lững. Vì là chỗ quen biết (cô bạn chúng tôi là nhân viên của quán) nên chúng tôi không bị kiểm tra I.D. (2). Khi chúng tôi đến nơi thì quán đã chật đông khách, phần lớn là dân da trắng; nhìn quanh có lẽ chỉ có chúng tôi là "đầu đen"), đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên đến trung niên và... lão niên. Màn trình diễn đã bắt đầu được ít phút. Trên sân khấu là ba "kiều nữ" nõn nà trong trang phục vũ nữ đang nhảy những vũ điệu cực "hot", miệng hát nhép theo nhạc. Không khí vô cùng sôi động bởi những tiếng vỗ tay, huýt sáo và hò hét cuồng nhiệt từ khán giả. Theo lời Becky (tên cô bạn), đêm nay là còn tương đối ít ồn ào so với mọi đêm. Thường thì mọi khi khán giả nhảy cả lên bàn, vừa hát vừa nhảy theo nhạc cùng các "cô" Drag Queen. Nhân lúc "cô" M.C. ẻo lả bước ra sân khấu giới thiệu tiết mục tiếp theo, tôi tranh thủ ngó quanh. Quán bar Finale bày trí cũng giống như mọi quán bar hiện đại khác thường gặp ở các nước phương Tây, với quầy bar chạy dọc theo tường, bàn ghế, đèn mờ xanh đỏ, sân khấu dành cho nhạc sống. Có khác chăng chỉ là màn trình diễn của các "cô" đồng tính nam vào các tối thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy đã biến nó thành một trong những quán bar được yêu thích nhất tại New Zealand, một đất nước tương đối cởi mở về vấn đề đồng tính (3). Với giá vé vào cửa tương đối phải chăng - 55 đô-la New Zeland (một đô New Zealand theo thời giá hien tại bằng khoảng 0,72 đô la Mỹ), khách hàng có thể thưởng thức hai show diễn của các "cô", mỗi show chừng một tiếng, nghỉ giữa giờ 30 phút. Giá vé bao gồm cả đồ ăn (buffet bắt đầu từ 7 giờ 30 tối) nhưng không có đồ uống. Tuy nhiên khách hàng có thể mua đồ uống tại quầy bar với giá như ở ngoài (từ 5 đến 6 đô-la một ly vang, 12,50 đô một ly cocktail). Thậm chí giá đồ uống ở đây còn rẻ hơn so với nhiều quán bar khác tại khu vực trung tâm Auckland. Thảo nào quán đông khách thế. Cậu bạn người Hàn Quốc đi cùng chúng tôi từ nãy đến giờ chỉ chăm chăm nhìn lên sân khấu, mieng suýt xoa liên tục: "Ôi Chúa ơi không thể nào tin nổi họ là đàn ông. Nhìn giống phụ nữ kinh khủng!" Theo lời Becky, tuy các Drag Queen ban ngày ăn mặc giống như đàn ông nhưng họ không tự cho mình là đàn ông, bằng chứng là họ vẫn dùng toalet... nữ và rất khó chịu nếu ai đó gọi họ là "he" (anh ta) thay vì "she" (cô ta). Becky kể có lần một Drag Queen chạy ào vào bếp nơi các nhân viên phục vụ đang chuẩn bị đồ ăn, vừa khóc nức nở vừa "tố cáo" một khách hàng đã sờ nắn "ngực" của "cô ta", mặc dù đó chỉ là bộ ngực bằng cao su!

Giờ nghỉ giải lao giữa hai show, tôi tranh thủ bám chân Becky vào bếp gặp các "cô" Drag Queen. Dưới ánh đèn nhà bếp, nhìn họ rõ hơn trên sân khấu rất nhiều. "Cô" nào nhìn cũng nõn nà, vai tròn mềm mại, chân dài và thon, không khác gì các cô người mẫu thời trang là mấy, duy chỉ có đường nét thô ráp trên gương mặt và giọng nói ồm ồm là có thể "tố cáo" giới tính thật của các "cô". Họ cũng vui mừng ra mặt khi tôi khen kiểu tóc của "cô" này đẹp, "cô" kia xinh gái, múa hay. Ngoài quầy bar, khách hàng ùa ra chụp ảnh với các "cô". Họ thật sự vui vẻ, cười nói huyên náo, như Becky vẫn nói: "What bring them here is fun" (Họ đến đây vì vui). Tôi để ý thấy khá nhiều trong số họ là gay dạng transexual (theo lời Becky, có hai kiểu gay, một kiểu nhìn như nam giới và vẫn ăn mặc như nam giới, còn một kiểu khác là "transexual" - gay "chuyển đổi giới tính", trông hoàn toàn giống với phụ nữ, từ thân hình đến cách ăn mặc, trang điểm). Điển hình như hai "cô bé" ngồi bên quầy bar, ăn mặc theo đúng "mốt" hien đại của các cô gái trẻ ở New Zealand - áo hai dây hở bụng, quần jean hoặc váy denim cạp trễ, đi bốt cao đến bắp chân. Thấy tôi chăm chú nhìn, một "cô"
quay sang cười: "Hi" (xin chào) rất tươi tắn khiến tôi không thể không "đáp lễ".

Show diễn kết thúc lúc 11 giờ đêm, sau đó là màn nhảy nhót của khách cho tới 3 giờ sáng. Trên đường về nhà, nhớ lại cuộc tranh luận của chúng tôi hồi chiều về vấn đề đồng tính, Ryan - cậu bạn người Hàn Quốc, vốn phản đối kết hôn đồng tính, phát biểu hôm nay cậu đã được thật sự "mở mắt một phen". Rằng có một thế giới hoàn toàn khác bên cạnh thế giới của chúng tôi và của cậu - những người "straight" (không đồng tính). Tuy nhiên, đó là cuộc sống và trong thế giới đa dạng này chúng ta cần học cách chấp nhận sự khác biệt thay vì phân biệt.

Ghi chú:
(1) Thành phố lớn nhất của New Zealand.
(2) Giấy tờ chứng nhận thân nhân, thường có thông tin về ngày tháng năm sinh - luật pháp New Zealand quy định 18 tuổi trở lên mới được vào quán bar.
(3) New Zealand đã thông qua đạo luật cho phép kết hôn đồng tính vào tháng 12 năm 2004 và đạo luật này sẽ có hieu lực từ ngày 26-4-2005 sắp tới. Với đạo luật này, New Zealand trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới cho phép kết hôn đồng tính - hai quốc gia còn lại là Đan Mạch và Hà Lan.

(Nguyễn Thủy Minh, Auckland 17-4-2005 - NCTG) Read More!

Thống kê web