Thứ Năm, tháng 8 10, 2006

Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn ...

Olga Bergoltz

"Con người là mảnh vỡ của một ngôi sao buồn".

Tôi hình dung về Olga như thế, như một câu thơ của ai đó.

Người đàn bà cô độc đi dọc đại lộ Matxcova. Mùa thu. Đàn sếu và sương mù. Những trận gió ào ào trút lá. Buồn thì rõ rồi, Olga. Nhưng có phải ai cũng nhạy cảm đến độ cảm giác được cả nỗi đau của những chiếc lá rời cành ấy.

Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc những ai đi qua dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trên đời
"Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng"
.........

Không hiểu sao tôi cứ hình dung chị đã khóc khi viết những câu thơ ấy. Phải, ngay ở những câu thơ bình lặng ấy. Khi chị chấp nhận sự cô độc như không thể nào khác:

"Ôi trái tim tôi, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố chiều xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên trên ô cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
Tôi sẽ yêu ai, ai làm tôi hạnh phúc
"Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng"
Nhắc suốt đường vẫn chỉ bấy nhiêu thôi

Nếu chẳng còn gì khao khát trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn chi để mất
.....
(Mùa lá rụng)

Thơ của Olga là thơ của một người đàn bà đã trải nghiệm tình yêu với đầy đủ những cung bậc hạnh phúc và khổ đau của nó. Đó là tình yêu để mất vì những giận hờn nông nổi của tuổi trẻ:

"Chỉ có một lần thôi
Em hỏi anh im lặng
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau

Biết đi đâu về đâu
Con đò không bến đợi
Ôi cây xanh tình đời
Có nghe lời ta gọi?"

(Câu chuyện mười năm)

để rồi còn lại mãi một nỗi đau, một niềm ân hận xót xa:

"Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu bây giờ anh có lý
Dù chuyện cũ đã xa rồi, anh cách xa thế
Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo"

(Bài thơ cuộc đời)

Có phải vì thế mà thơ chị luôn tìm được sự chia sẻ? Như một thứ quy luật, nhiều khi tôi nghiệm ra khi đọc hai câu cuối trong bài "Mùa hè rớt":

"Sao ơi sao, sao sắp lặn vào đêm
Ta biết lắm thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng sao chỉ đến giờ ta mới biết
"Yêu thương - giận hờn - tha thứ -chia ly"

Con đường tình yêu hình như ai cũng như ai, có phải bởi tuổi trẻ luôn đầy kiêu hãnh và sai lầm và "kinh nghiệm của người này không thể truyền cho người khác" (Nguyễn Thi Hồng Ngát), nên dẫu Olga có kể, có khuyên, có van nài:

"Những đôi lứa yêu nhau
Hãy nghe tôi kể lại
Chỉ một lần trót dại
Thế mà thành chia phôi"

thì con đường ấy vẫn cứ chẳng bớt đi chông gai cho những người đi sau:

"Lũ trẻ lớn lên tiếp nối hai ta
Lại hát lại lời yêu thủa trước
Vẫn sông Volga và những chiều sóng nước"

và Olga hoàn tòan có lý khi viết

"Nhưng xét cho cùng họ có lỗi đâu anh"

Bởi đó mới là cuộc sống. Tình yêu, và cả anh và em nữa, đều chẳng ai có lỗi. Trách làm chi những dại khờ non trẻ ấy.

Tôi đọc Olga như đọc chính nỗi niềm riêng của mình. Olga trăn trở từ trong mỗi giấc mơ. Kiêu hãnh thế, nhưng cũng mong manh và dễ tổn thương biết chừng nào:

"Em mong trở về trong giấc mơ anh
Dù trong mơ em không còn như ảnh
Em một thuở cuộc đời như chim như nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ".

(Em mong trở về trong giấc mơ anh)

Ngay cả khi chị kiêu hãnh cất bước một mình mà con đường trước mắt vẫn còn thăm thẳm dài:

"Anh hãy cố vui lên con đường chia hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp con mưa"

thì đoạn điệp khúc ấy vẫn òa lên day dứt khôn nguôi:

"Tôi ra ga lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi không cần ai tiễn biệt
Tôi không nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ còn phải nói gì hơn
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển treo ngang càng thấy trống:
"Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng"

Olga Bergoltz - tôi vẫn hình dung ra chị như thế -"con người đi cô độc quá trên đời". Mẫn cảm, ưu tư như "Mùa hè rớt" của chị.

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland a sleepless night. 28/12/2002 Read More!

Hãy thích cùng tôi

Thúy Bắc

Tôi nhớ một nữ sĩ luôn chứa ẩn nỗi buồn sâu kín nơi đáy mắt. Ấn tượng của tôi về bác là một người đàn bà nhỏ bé, khắc khổ, lặng lẽ, ít lời. Sinh thời, nhà thơ Thúy Bắc từng sống ở khu C4, tập thể Giảng Võ, chung cầu thang với gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Tôi gặp bác nhiều lần nhưng không hình dung đó lại là tác giả của "Sợi nhớ sợi thương". Ngày ấy còn nhỏ, tôi cứ nghĩ các nhà thơ thường phải có một dáng vẻ mơ màng chứ không phải dung dị như người đàn bà mà tôi vẫn gặp bên chiếc bếp than tổ ong.

"Trường Sơn Đông
Trường Sơn Tây
Bên gió quất
Bên mưa quây
Em giang tay
Em xoè tay
Chẳng thể nào
Xua tan mây"

Bài thơ ấy được phổ nhạc, từng được một thế hệ yêu thích. Và tôi có lẽ cũng chỉ biết đến thế về Thúy Bắc nếu như không có một lần tình cờ tôi đọc được một bài thơ khác của bác:

Nhiều năm em đợi anh
Gió đêm về hoang dại
Bặt tin người trở lại


Ngày em đi lấy chồng
Mây buông dải tang thầm
Tiễn một đời con gái


Lời thơ giản dị mà khiến tôi sững sờ. Không một câu óan trách, người con gái ấy âm thầm chôn chặt vào lòng nỗi đau của một tình yêu dang dở, của một cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu. Có nhiều khi đọc lại bài thơ này tôi vẫn còn cảm thấy hỏang hốt. Cuộc sống này, có nhiều trắc trở như thế không? Về sau, tôi còn đọc được 1 bài thơ khác của Thúy Bắc, đại lọai cũng nói về một tình yêu dang dở, khi anh trở về thì em đã có chồng. và em phải đối diện với một bên là anh, một bên là gia đình. Nhưng bài thơ không hay và cô đọng như bài thơ trên nên tôi không nhớ được câu nào.

Tôi lờ mờ cảm nhận có lẽ người đàn bà ấy đã giấu đi rất nhiều ưu phiền đằng sau cái vẻ lặng lẽ cam chịu ấy.

Tháng năm qua đi. Một ngày kia tôi trở về nhà sau một thời gian đi xa. Mẹ tôi bảo: "Bác Thúy Bắc mất rồi con ạ". Sững sờ. Lại là cái cảm giác ấy, cái cảm giác của lần đầu tiên khi tôi phát hiện ra điều u uẩn trong tâm hồn bác.

Người đàn bà ấy đã đi qua cuộc đời này lặng lẽ quá, ai biết được có bao nhiêu nước mắt, nụ cười, bao nhiêu niềm vui, nỗi khổ trong cuộc đời ngắn ngủi của nhà thơ?

Có thể tất cả những người yêu thơ Thúy Bắc sẽ nhớ đến nhà thơ qua bài "Sợi nhớ sợi thương". Nhưng không hiểu sao, với tôi, ám ảnh hơn cả lại là những câu thơ lặng lẽ mà như cứa vào dạ này:

Nhiều năm em đợi anh
Gió đêm về hoang dại
Bặt tin ngừoi trở lại


Ngày em đi lấy chồng
Mây buông dải tang thầm
Tiễn một đời con gái

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1am 10/6/03


Bảo Chân

Có lẽ hơi lộn xộn về mặt thời gian, nếu như xếp chị ngang hàng cùng Thúy Bắc. Vị trí thứ hai tôi định trang trọng dành cho Đoàn Thị Lam Luyến, một hồn thơ đã quyến rũ tôi đến quên ăn quên ngủ. Nhưng chưa đủ thời gian cũng như sự chuẩn bị để viết về cô. Tôi muốn bài viết về Lam Luyến sẽ phải công phu nhất. Thì đành thay Lam Luyến bằng Bảo Chân vậy.

Bảo Chân nổi tiếng từ cuối những năm 80, cùng với Cây bàng thời gian và Phố chiều (?). Những bài thơ chép truyền tay nhau trong giới sinh viên ngày ấy:

Chẳng bao giờ ai đợi em dưới mưa
Như ngày xưa anh đã từng chờ đợi
Đôi vai ướt đầm mái đầu tóc rối
Cây bàng xanh lặng lẽ đứng bên thềm

Kỷ niệm qua rồi còn lại nhớ thương
Anh ra đi đêm mưa thành cổ tích
Em ở lại cành chơ vơ hờn trách
Lá bàng ơi giờ bay mãi về đâu ...


(Cây bàng thời gian)

Thơ Bảo Chân ngày ấy nhẹ nhàng, rất con gái. Tôi có cảm giác rằng ngay cả khi Bảo Chân xót xa thì nỗi buồn ấy vẫn thật khẽ khàng, chưa làm cho người ta phải sững sờ, phải bật khóc vì đớn đau và bất lực:

Khung cửa gầy bóng mẹ liêu xiêu
Cây bàng xanh sang mùa chớm đỏ
Em suốt đời chỉ là khách lạ
Lạc trong đường chiều phố không anh

(Phố chiều)

Vì thế tôi ngỡ ngàng khi gặp lại một Bảo Chân khác, một Bảo Chân đã lột xác hoàn tòan, với nỗi buồn của người thiếu phụ đã đạt đến độ chín - đằm thắm hơn, nhưng cũng đau đáu hơn - trong "Bài ca con sáo". Hình như bao giờ cũng thế, sự trải nghiệm giúp người ta trở nên đằm sâu hơn:

Sáo sang sông vắng
Một mình
Khản cổ hát lời giã biệt
Có ai lắng nghe
Dòng sông ngủ mê bầu trời ngủ mê
Lời ca bay mỏi cánh...


(Bài ca con sáo)

Hãy hình dung thế này. Một người con gái, có thể chính là cô gái đã từng "chơ vơ hờn trách" "anh ra đi đêm mưa thành cổ tích" như trong bài thơ của chị thủa trước - đang khóc cho ngày rẽ về bến khác. "Khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối. Khoảng thời gian chia nhuộm đỏ lá bàng". Đã muộn rồi, đã muộn quá mất rồi, tất cả đã trở thành ký ức, thành "bờ cũ" mất rồi, dù với cô thì quãng đời ấy vẫn mãi mãi trong trẻo, và tươi đẹp nhất:

Bờ cũ ơi,
Ta gửi lại ta về những xa xôi
Những ngày xuân xanh thắm
Ði đến mùa quả chín
Nắng còn nhớ chăng?
Ta gửi lại anh một nửa dòng sông
Một nửa đời ta trong mát
Ði qua cơn khát
Anh còn giữ không?

Có thể là tôi chỉ lẩn thẩn mà thôi; nhà thơ và nhân vật của nhà thơ không phải khi nào cũng trùng làm một. Biết thế, nhưng tôi vẫn cứ xót xa khi nghĩ về hành trình của một tình yêu, từ cây bàng đêm mưa thủa nào, và "khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối" giữa hai người trẻ tuổi, đến lời ca giã biệt day dứt, đầy tiếc nuối, bất lực của người thiếu phụ cô độc hôm nay:

Ta là con sáo lang thang
Nặng lòng bờ cũ
Biết đi đâu biết về đâu
Nơi nào cũng hun hút gió.

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1:30am 29/10/03


Nguyễn Thị Hồng

Từ lâu tôi đã muốn viết một cái gì đó về thơ Nguyễn Thị Hồng, những vần thơ đằm thắm, dịu dàng đến day dứt mà khi soi mình vào đó mỗi chúng ta sẽ tìm được những thổn thức của chính nỗi lòng mình.

Nguyễn Thị Hồng viết thơ chưa nhiều, nhưng hai tập thơ “Em ra đi” và “Gọi thu” xuất bản đầu những năm 90 đã để lại một nốt trầm xao xuyến trong bất cứ người nào đã được một lần bước chân vào thế giới riêng ấy của nhà thơ.

Không có cái cuồn cuộn của tận cùng đam mê và cay đắng đầy cá tính như thơ Đoàn Thị Lam Luyến, cũng không có cái quyết liệt và khát vọng yêu đương rực cháy như thơ Xuân Quỳnh, thơ Nguyễn Thị Hồng lặng lẽ, đằm sâu và nhẹ nhàng như một lời tâm sự, nhưng trong lời tâm sự nhẹ nhàng ấy ta đọc được cả một nỗi nhức nhối khôn nguôi, một nỗi mong đợi mỏi mòn, một tình yêu nồng nàn, đằm thắm và dung dị.

Nhà thơ chưa bao giờ nói về nỗi buồn, sự khổ đau của tan tác sinh ly nhưng nỗi buồn đau đáu ấy cứ toát lên từ những vần thơ chân thật và giản dị:

Em ra đi
Để lại tất cả vẹn nguyên như cũ
Một dáng hình nao nao đầu phố
Một cái nhìn khắc khoải thiết tha

(Em ra đi)

Chẳng có ai viết về chia ly như thế: không một lời trách móc, đắng cay, không có cái tức tưởi cuả sự tan vỡ nhưng hỏi ai không đau đến thắt lòng trước khung cảnh nhà thơ gợi lên: một dáng người nao nao, một cái nhìn khắc khoải - chỉ có vậy mà ám ảnh khôn nguôi, một màu xanh mãi còn day dứt của một tình yêu đẹp tan vỡ:

Ta không giữ em làm kỷ niệm
Nghĩa gì đâu một lá cỏ úa tàn
Trong ta mãi còn day dứt
Cái màu xanh thắm thiết tươi non

(Lá cỏ )

Ngay cả sự hờn trách - nếu có - trong thơ Nguyễn Thị Hồng cũng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà nhức nhối, mà thấm thía từng nỗi buồn đau:

Mai sau, vâng nếu mai sau
Cuộc đời gặp một người nào anh yêu
Trước khi cầm lấy tay nàng
Ôm vào lòng hãy nhớ rằng anh ơi
Một trưa tháng Sáu xa rồi
Một lần nào đó, một người nào đây
Hình như mình cũng cầm tay
Rồi để nàng lại một trời cô đơn.

(Mai sau)

Bao trùm cả hai tập thơ “Em ra đi” và “Gọi thu” là một tình yêu sâu nặng - của một cô gái ngất ngây trong tình yêu đầu đời, rồi của một người phụ nữ không có được cái may mắn lấy được người mình yêu, một người phụ nữ mòn mỏi trong những kỷ niệm đẹp của tình yêu đầu trong trắng, vẹn nguyên, không nhạt nhoà theo thời gian và sự chia cách về không gian.

Cô gái ngây ngất bao nhiêu trong tình yêu:

Ngồi xuống đám cỏ này đi anh
Hoa chấm trắng như trong mơ anh nhỉ
Mênh mang quá đất trời mình đẹp thế
Khi em có anh

thì người phụ nữ héo mòn bấy nhiêu trong những kỷ niệm về tình yêu ấy:

Chỉ còn trong giấc mơ thôi
Cho ta được gặp lại người ta yêu

(Giấc mơ)

Làm sao tìm được mùa thu dịu dàng
Người em yêu ơi bao mùa thu sang
Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy
Anh đưa em qua suối ngàn nước chảy
Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy
Anh về bến cũ vớt mùa thu lên

(Gọi thu)

Đẹp và buồn là thơ tình Nguyễn Thị Hồng. Khép lại cuốn sổ thơ rồi mà lòng vẫn man mác suy tư.

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 11:00pm 8/7/01


Lại ... văn học và thi ca Nga

Tôi là một kẻ lười đọc và cực đoan trong việc đọc. Dường như từ bé đến lớn tôi chỉ đọc duy nhất một thứ - các tác phẩm kinh điển. Và tôi khước từ những thứ mới mẻ, hiện đại, cập nhật khác. Âu cũng là bản tính của tôi, một kẻ sống nặng về quá khứ, ôm trong lòng nhiều hoài niệm, đến mức gần như chối từ hiện tại. Với tôi, nếu tình yêu đến một lần thì nó sẽ ở lại mãi mãi, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian ...

Và điều ấy đã xảy ra khi tôi "ngã vào mối tình đầu" với văn học và thi ca Nga, từ khi còn là 1 cô gái nhỏ.

Những đêm mùa hè tôi tắt điện ngồi ngắm sao trời, tưởng tượng ra đêm thảo nguyên mênh mông của Aitmatov - có tiếng sấm ì ầm từ xa, và những tia chớp xanh lặng lẽ trườn xuống phía chân trời. Có tiếng hát cháy bỏng của Danhyar, vang xa khắp cánh đồng, và cả tiếng thở dài rất khẽ của Giamilia nữa. Tình yêu lớn lao mà đau khổ của họ khiến tôi không thể nào ngủ được ...

Có phải là đa đoan quá không? Không biết nữa. Nhưng bạn tin được không, rất nhiều năm sau khi đọc lại những trang sách của Aitmatov, tôi vẫn có một cảm giác đau thắt như thế. Tôi vẫn muốn khóc khi đọc đọan kết của "Cây phong non trùm khăn đỏ". Vẫn bần thần khi nghĩ về mối tình câm lặng của "Người thầy đầu tiên". Tình yêu có thể đớn đau và day dứt đến thế sao?

Có thể nói tôi đã lớn lên cùng với những trang sách ấy. Những cảm xúc và cảm nhận đầu tiên của tôi về cái đẹp cũng bắt đầu từ những trang sách ấy. Bây giờ, nếu đề nghị tôi nói về văn chương Nga, tôi sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói những gì. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về văn chương Nga, có lẽ như ai đó đã từng nói, đó là nó "dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi", trong trẻo quá, và thuần khiết quá.

Nhưng nếu chỉ nói vậy về văn chương Nga, tôi e rằng chưa đủ. Và chắc cũng sẽ không bao giờ đủ để nói về nó cả.

Tôi yêu sự thuần khiết và đôn hậu của Pauxtovxki, tôi trăn trở cùng những "nỗi đau dịu ngọt" của Aitmatov. Và tôi cũng yêu vô cùng nỗi cô độc và sự bế tắc của Levmontov, của Exenhin. Những tâm hồn luôn khát khao bứt phá, vượt lên khỏi sự hạn hẹp và ngột ngạt của hoàn cảnh. Những cánh buồm đơn độc, khát khao bão tố, "dường như trong giông bão có yên bình"!

Văn chương như một thứ duyên nghiệp. Trong trường hợp của tôi, có lẽ tôi đã mắc vào duyên nghiệp với nước Nga. Một lần đến, nhưng tình yêu đó đã ở lại cùng tôi mãi mãi ...

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 8 March 2004 Read More!

Chủ Nhật, tháng 8 06, 2006

Nghĩ lại về Pauxtovski - "Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa"!

Tặng chị Acia của em!

Thế hệ chúng tôi và những thế hệ sau Bằng Việt không phải đi qua chiến tranh, không phải học trong những "trường sơ tán". Cũng không có kỷ niệm với những "đồi trung du phơ phất bóng thông già ...". Nhưng những gì Bằng Việt viết về Pauxtovxki - "một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa" - tươi đẹp như ước mơ của tuổi trẻ về tình yêu và hạnh phúc, như niềm tin vào CHÂN-THIỆN-MỸ thì thiết nghĩ không một ai yêu văn Pauxtovxki mà lại không đồng cảm.

Tôi còn nhớ tập truyện ngắn song ngữ đầu tiên mà tôi đọc khi còn theo học tiếng Nga - tình cờ lại là tập truyện "Lẵng quả thông". Truớc đó tôi chưa từng đọc văn Pauxtovxki. Giọng văn trong trẻo, phong cách lãng mạn, trữ tình, và đặc biệt là tính nhân văn trong những truyện ngắn của ông khi ấy thu hút tôi mãnh liệt. Tôi chép tất cả những đoạn văn hay bằng tiếng Nga vào một quyển sổ và ... học thuộc lòng . Tôi cũng chọn Pauxtovxki cho bài tập dịch đầu tiên của mình. Bài tập ấy, tôi bị thầy giáo chê, gạch bút đỏ choe choét. Nhưng như một niềm đam mê, tôi vẫn tiếp tục dịch Pauxtovxki cho chính mình.

"Em còn nhớ mùa thu năm 1911 không? Trời âm u, biển mù mịt. Có một người con gái đi lướt qua tôi trong công viên. Người con gái đó chính là em. Tôi biết rằng mình có thể yêu em đến tan nát tâm hồn ..."

"Từ ngày ấy tôi yêu Krum và con đường nhỏ ... nơi tôi đã gặp em trong phút giây và mất em vĩnh viễn ... " (Tuyết)

Dù là "Tuyết", "Bình minh mưa", hay "Âm nhạc Verdi", không gian trong văn Pauxtovxki thường lãng đãng sương khói, nhuốm vẻ u hoài. Nhưng trong cái lãng đãng u hòai đó bao giờ cũng cháy lên một ngọn lửa ấm áp của tình người. Tôi còn nhớ đã đọc như mê đi cái không gian tuyết trắng phủ kín con đường dẫn lên đồi nơi có ngôi nhà của Tachiana ("Tuyết"), có cánh cổng gỗ kẽo kẹt và chiếc chuông gió không bao giờ kêu. Căn phòng trống trải có chiếc dương cầm đóng bụi. Và bản nhạc dang dở bên chồng thư chưa ai bóc. Bỗng có một ngày, bản nhạc ấy lại vang lên êm dịu, chiếc chuông gió lanh canh thật vui tai, cánh cổng không còn kẽo kẹt mỗi khi khép mở. Và con đường đã dọn sạch tuyết, sẵn sàng đón một người trở về ... Tôi đã khóc khi đọc đọan văn ấy, khóc cho hạnh phúc muộn màng của Tachiana, khóc vì tấm lòng nhân hậu của Pauxtovxki ... Tôi cũng nhớ cái không gian mù mịt sương của "Bình minh mưa", tiếng còi tàu trên bến cảng, con đường gập ghềnh trong đêm hun hút ... Nhưng rồi tất cả bỗng như tan biến trong căn phòng nhỏ có "người đàn bà không quen":

Cái không thể đã thành có thể
Con đường dài hóa dễ với ta
Nhọc nhằn chi mấy cũng qua
Cuối đường tìm kiếm khi ta thấy nàng

Không gian trong "Âm nhạc Verdi" - cái không gian của biển mùa đông, mưa phùn và ẩm ướt - thì thật sự đã vỡ òa khi người giới thiệu đọc lời đề tặng của người nhạc sĩ nhân hậu dành cho cô gái trẻ - món quà mà ông đã hứa sẽ dành tặng cô nhân ngày cô tròn 18 tuổi, rất nhiều năm về trước. Bản nhạc rung lên, nó không còn là âm nhạc nữa. Nó là tiếng gọi của chân-thiện-mỹ. Nó đưa ta đến nơi "không có đau khổ nào có thể làm nhạt nhòa tình yêu, nơi mặt trời rực rỡ như những vòng thiên triều trên đầu các nàng tiên". Đó cũng chính là thông điệp mà Pauxtovxki muốn gửi gắm tới người đọc:

"Dù người ta có nói với cháu thế nào đi chăng nữa thì cháu cũng hãy cứ tin rằng cuộc đời tươi đẹp lắm" (Lẵng quả thông)

Thông điệp mang đậm tính nhân văn của Pauxtovxki, dù đó là những lời tiên đóan về hạnh phúc của anh chàng kể chuyện cổ tích Andexen trong "Chuyến xe đêm", hay món quà của người nhạc sĩ già trong "Âm nhạc Verdi", hay những món quà của nàng tiên trong "Lẵng quả thông" đều làm rung động trái tim người đọc. Thế giới văn chương của Pauxtovxki thần tiên như cổ tích, trong trẻo như tuổi thơ, tràn ngập thứ ánh sáng rực rỡ của hạnh phúc như tuổi trẻ. Có lẽ vì vậy mà nó đã dựng nên "một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa" trong lòng mỗi người yêu văn chương.

Pauxtopxki là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu
Anh hiểu rằng không phải...
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Ðưa em đi... Tất cả thế xong rồi
Ta đã lớn. Và Pauxtopxki đã chết!
..........

Tôi vẫn nghĩ đến Pauxtovxki như một điều tiếc nuối. Tiếc nuối cái thế giới trong trẻo "Xa xôi sao... Thời thơ ấu sau lưng!". Những cảm nhận về hạnh phúc, những niềm tin vào con người, những ước mơ lung linh như ánh nến ...

Cái thế giới chẳng dễ gì còn thấy lại được nữa, khi mà:

"Ta đã lớn. Và Pauxtovxki đã chết"

Nhưng có lẽ, dù không còn dễ tin vào những điều kỳ diệu, vẫn đọng lại trong chúng ta một cái gì đó, phải không ... để chúng ta trở nên người hơn, và cũng biết trân trọng hơn:

"Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tảLại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn"

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1 March 2004 Read More!

Gặp Phạm Duy tại Hà Nội

Gặp ông tại khách sạn Salut số 7 Hàng Dầu vào một trưa cuối tuần. Nhìn ông tinh anh, vui vẻ, và vẫn rất phong độ ở cái tuổi “xưa nay hiếm” dù vừa trải qua cuộc phẫu thuật tại Mỹ. Đây là chuyến trở ra Bắc đầu tiên của ông sau khi chính thức trở về từ Thị trấn Giữa Đàng. Một chuyến đi giản dị, lặng lẽ, chủ trương không có sự ồn ào của báo chí, theo như người con trưởng của ông, ca sĩ Duy Quang, cho biết.

border="0" />Hỏi chuyện ông về chuyến trở ra thăm Hà Nội lần này, ông nói rất vui. Ông kể ông sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Dầu. Thương lắm. Nên lần nào về tới Hà Nội ông cũng chọn nghỉ tại khách sạn nơi đây dù khách sạn nhỏ và không mấy tiện nghi. Cái gì đã thân thuộc với mình như máu thịt, dù nó có nhỏ bé, mình vẫn mong được quay về với nó chứ. Dù rằng Hà Nội giờ đã khác rất nhiều so với Hà Nội “dáng kiều thơm” trong ông nửa thế kỷ trước đây.

Rồi ông sôi nổi quay ra bảo người con trưởng Duy Quang bật cho tôi nghe những bài hát ông viết tặng cho Hà Nội - “Tây Tiến” (phổ thơ Quang Dũng) (tự ông hòa âm cho đúng không gian và bối cảnh của Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước), “Mơ dạo xuân Hà Nội” (phổ thơ Thảo Chi) trong CD “Hương Ca“ gồm 10 ca khúc tình tự dân tộc mà ông đang xin phép Bộ Văn hóa & Thông tin cho phổ biến tại Việt Nam. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa say sưa giơ tay đánh nhạc tưởng tượng theo bài hát, tôi chợt hiểu vì sao nhạc của ông lại có sức quyến rũ lòng người đến thế. Cũng như chính sự sôi nổi, tràn đầy tình yêu với cuộc sống của ông có sức lôi
cuốn người khác đến lạ. Nhìn ông nói, ông cười, ánh mắt hóm hỉnh, câu văn dí dỏm, giọng nói còn sang sảng tràn đầy sinh lực, tôi tin sức sáng tác của ông còn dồi dào lắm.

Trong bức thư điện tử gửi cho bạn bè và thân hữu trước khi trở về quê nhà, ông khoe ngay trên giường bệnh, trước giờ phẫu thuật, đã phổ nhạc xong cho bài thơ Đường nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa - bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” (Thôi Hiệu) - chỉ trong vòng có nửa tiếng đồng hồ. Và một bài hát khác nữa - “Tỳ Bà Hành” (trong “Minh họa Kiều”) - cũng được ông viết phỏng theo thơ Bạch Cư Dị ngay trước ngày lên đường trở về quê nhà. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (“Hoàng Hạc Lâu”). Tôi hiểu ông nặng tình quê hương biết mấy. “Trăm năm bến cũ” là đây. Người đã trở về từ bến bờ xa lạ. Hạc vàng biết quý, biết trân trọng thì sẽ chẳng bay đi đâu nữa cả vì còn có nơi đâu bằng được quê hương mình?

Chia tay ông, tôi bỗng nhớ tới lời ông nói khi cắt nghĩa cho tôi nghe về hai bài hát của ông trong “Hương Ca”. Phải biết cởi bỏ, biết quên. Quá vãng là điều đã qua, thì sao lại không cùng nhau nhìn về phía trước?

(Nguyễn Thuỷ Minh, 10-6-2005, từ Hà Nội - NCTG) Read More!

Hà Nội - những ký ức

Hà Nội - những con đường

Có một con đường không phai mờ trong ký ức tôi. Con đường dẫn đến ngôi trường thủa thơ ấu. Những năm tháng ấy, gia đình tôi còn trú ngụ ở GV, mỗi trưa, theo chúng bạn đến trường trên con đường ấy. Bây giờ người ta đặt tên thành phố thành phường. Nhưng ngày ấy, nó chỉ là con đường nhỏ không tên trong ký ức học trò, men theo hồ GV, vòng qua phía sau trường HN-A, nơi ấy có một con mương nhỏ và hoa bèo tím bập bềnh, có những luỹ tre xanh mướt mải. Tôi còn nhớ hồ GV khi ấy còn hoang sơ lắm. Ven hồ chưa có cây cối gì hết (mãi đến năm tôi học lớp 12 người ta mới cho trồng cây ven hồ, ấy vậy mà bây giờ đã xum xuê biết mấy). Lâu lâu lại có một vụ chết đuối hay tự tử gì đó, khi xác người xấu số được vớt lên, lũ trẻ con chúng tôi tò mò chen chân đến xem. Người ta bảo hồ GV độc lắm, đi sát ven hồ có cảm giác bị hút xuống tận đáy nước. Tôi chẳng biết có thật không, nhưng cũng chẳng bao giờ dám đi sát ven hồ cả. Tôi ngoan, nghe lời mẹ. Mẹ bảo giờ đây mẹ chỉ có hai chị em tôi, hai cục vàng của mẹ, có chuyện gì mẹ không biết phải sống ra sao nữa. Tôi sợ lắm, mặc dù hồ GV trong con mắt của đứa trẻ là tôi bấy giờ nom thật hiền lành, chẳng có chút dữ dằn gì. Tôi nhớ người dân khu GV còn thường ra đấy giặt chiếu. Ngày ấy nước máy rất khan hiếm, không như bây giờ. Mùa hè năm ấy, có hai sự kiện làm lũ trẻ con bàng hoàng. Một là cái chết của thằng cận khu B2. Và một sự kiện nữa là người ta vớt được xác một đứa trẻ sơ sinh bọc trong bao tải dứa. Thằng cận là em một thằng học cùng trường cấp II với tôi, nhưng khác lớp. Chúng tôi gọi nó là thằng Nguyễn A, để phân biệt với thằng Trần A, cũng ở B2. Hôm đấy thằng cận đi chơi với một thằng nữa ở khu A6, chẳng hiểu lần mò thế nào mà lộn cổ xuống hồ. Thằng ở A6 sợ quá chạy tọt về nhà không dám hé răng với ai. Bảy ngày sau, chính anh nó đi đánh cá thì vớt được xác thằng cận trong lưới. Sự kiện ấy làm cả khu GV hoảng hồn. Lũ trẻ con chúng tôi bắt đầu bị cấm tiệt không được mò tới ven hồ nữa. Sau đó ít lâu, có lần đi học về ngang qua đó, chúng tôi thấy một đám người lúi húi cuốc đất ở một góc vườn của khách sạn 11 tầng (khách sạn GV, nhưng dân GV hồi đó quen gọi là KS 11 tầng). Hoá ra người ta vừa vớt được một bé sơ sinh bị quấn trong bao tải dứa và chuẩn bị đem chôn bé. Thấy người ta đồn chính người mẹ trẻ đã vứt hoang thai xuống hồ. Hai sự kiện đó ám ảnh tôi mãi. Bây giờ mỗi lần ngang qua, tôi lại hình dung thấy gương mặt nhợt nhạt úng nước của thằng cận và nấm mộ nhỏ bé xơ xài nơi góc vườn của KS 11 tầng. Mặc dù bây giờ cảnh xưa đã đổi khác lắm rồi. KS GV giờ đây đã mở rộng thêm ra, một toà nhà mới mọc lên nơi xưa kia là nấm mộ sơ sinh vô thừa nhận. Không hiểu bé còn nằm đó hay người ta đã rời mộ đi. Mười bảy năm rồi!

Trên con đường mà bây giờ người ta đặt tên là phố NC hồi ấy còn có một thứ nữa thu hút đám trẻ con chúng tôi. Đó là cửa hàng kem mậu dịch mà chúng tôi quen gọi là Kem 1 đồng, vì giá của nó chỉ có 1 đồng/ 1 chiếc. Kem màu hồng, nhạt toẹt, nhưng đối với lũ trẻ con chúng tôi hồi ấy thì trông nó ngon ngọt mát lành vô cùng. Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm. Mẹ tôi lại nghiêm, chẳng bao giờ cho phép chị em tôi được giữ tiền hay tiêu tiền nên chẳng bao giờ tôi được ăn kem một đồng với lũ bạn cả. Đi học về, tôi đành phải đứng đợi chúng nó chen lấn mua kem. Và trong lúc đó tôi lặng lẽ theo đuổi những ước mơ của riêng mình. Có lẽ tôi bắt đầu biết mơ mộng từ hồi đấy chăng. Tôi còn nhớ hay ngắm nhìn các anh chị trường HN-A phóng xe từ cổng trường đi ra. Trông ai cũng sáng sủa, đẹp đẽ, giàu có, sung sướng. Tôi đã ước mơ một ngày nào đó cũng được vào trường A, cũng được tự hào là học sinh trường A như họ. Và ngày ấy đã đến, chẳng phụ lòng mẹ mong đợi và xách cơm cho tôi những ngày thi. Ngày khai giảng, tôi xúng xính trong bộ quần áo mới (được mẹ sửa lại từ quần áo của chị họ tôi), kiêu hãnh đi trong hàng ngũ những học sinh mới nhập trường. Cả khu GV hồi đấy, trong những đứa đồng khoá với tôi, chỉ có tôi đỗ vào trường A (*), niềm vinh dự lớn lao của mẹ. Thời gian trôi thật nhanh, vèo một cái, cô bé mười lăm tuổi năm xưa giờ đã tốt nghiệp ĐH, đi làm, rồi học nữa học mãi tận phương trời nào. Mỗi lần nhớ về những năm tháng ấu thơ, tôi không thể không nhớ đến con đường đã gắn bó với mình một thủa học trò đầy kỷ niệm.

(*) Chi tiết này không chính xác lắm. Về sau tôi biết/ nhớ ra có một số bạn khác ở GV cũng vào HN-A như tôi.

Phố cổ

Trước khi chuyển về GV, gia đình tôi ở chung với ông bà nội trên một con phố nhỏ gần nhà máy điện Yên Phụ. Trước đó nữa thì ở Hàng K., rồi chuyển sang Hàng R. Tôi chẳng nhớ được gì mấy về thời gian ở Hàng K. và Hàng R. vì hồi ấy tôi còn nhỏ lắm. Ký ức duy nhất của tôi về căn hộ chập hẹp trong ngõ nhỏ của phố Hàng R. lúc ấy là cái bể nước công cộng to như cái hầm trú ẩn trên Vườn hoa Hàng Đ. dưới sân chung của các hộ gia đình. Và những tiếng cãi nhau om tỏi mỗi ngày từ ngoài phố vọng vào. HN những năm ấy còn vất vả lắm, cái ăn cái ở còn chật chội bức bối lắm. Đại gia đình tôi hồi ấy tất cả tám người (gồm ông bà, bố mẹ, hai chị em tôi, và hai cô chưa đi lấy chồng) chen chúc trong căn hộ chật hẹp phía sau trên tầng hai. Phía trước là căn hộ của một bà rất đanh đá tên là L. Bà ấy suốt ngày cãi cọ với hai cô của tôi về việc lấy nước và dùng nhà vệ sinh chung. Người ta cứ bảo người HN thanh lịch. Tôi chẳng biết ở đâu thì người HN thanh lịch, nhưng nhất định không phải là dân nơi phố cổ.

Nếu chia tuổi thơ tôi ra làm hai giai đoạn thì giai đoạn thứ nhất phần lớn diễn ra ở con phố yên tĩnh phía sau nhà máy điện YP này. Phố tôi gần đê nên mỗi mùa mưa lụt kinh lắm. Nửa đêm lũ về, tràn cả vào nhà, mặc dù năm nào ông bà tôi cũng cho nâng cao bậc cửa để tránh ngập. Nước ùa vào, nồi chảo xoong chậu trong bếp bơi lềnh bềnh, va vào nhau lanh canh. Trong nhà, dép guốc trôi nổi lặn ngụp. Tôi và em trai bị bắt ngồi im trên giường để bố mẹ và ông bà tát nước. Trong khi ở ngoài đường bọn trẻ con hàng phố lội nước ào ào, nước sóng sánh tạt cả vào nhà tôi. Đấy là chưa kể đôi lúc một chiếc xe tải phóng qua, làm bao công lao của ông bà bố mẹ vứt đi hết. Mùa lũ năm nào phố tôi cũng ngập như thế, thành ra quen, chẳng ai thèm buồn bực nữa. Ngược lại, mỗi lần mưa lớn, cả phố lại xôn xao như có hội, nhà nọ với sang nhà kia buôn chuyện ầm ĩ. Lũ trẻ con háo hức cởi trần chạy ra tắm mưa, như chờ đợi một trò chơi lớn.

Sau này lớn lên, đọc thơ Xuân Quỳnh: "Bao dung là mái phố/ Sinh ở đây từ nhỏ/ Lớn lên tôi đi xa/Trời khi nắng khi mưa/Lại nhớ về mái phố/ Ơi cái màu ngói cổ/Màu áo mẹ gian lao/ Những nét thấp đường cao/ Tình yêu không bình lặng" tôi lại nhớ những mái nhà cao thấp bụi than giăng đầy. Mỗi Chủ nhật cuối tháng bố tôi lại leo lên cạo bụi một lần. Ở gần nhà máy điện nên bụi bặm lắm. Những cây bàng trên phố cũng phủ đầy bụi đen nhẻm. Bọn trẻ con nhà ông đạp xích lô cũng đen nhẻm. Nhà ông đạp xích lô có thằng T. đen học cùng lớp với tôi. Tôi nhớ đến nó vì nó hay đánh thằng V. để bênh tôi những lúc tôi bị thằng V. bắt bạt. Thằng V. hay giật tóc tôi vô cớ. Nó ghét tôi lắm, vì nó bảo tôi kiêu, cậy có bố đi Liên Xô. Có lần nó thụi tôi một quả vào ngực rất đau mà tôi không dám mách cô. Chỉ có thằng T. đen biết, nó đạp cho thằng V. một cái vào bụng làm thằng V. khóc thét lên. Từ đó thằng V. mới không dám đánh tôi nữa. Nhà tôi đã chuyển đi lâu lắm rồi, chỉ còn ông bà tôi ở lại đó. Từ ngày mở cửa dân phố cũng bán nhà cho các chủ kinh doanh rồi chuyển đi ở nơi khác nên con phố đã khác xưa nhiều lắm. Ngay cạnh nhà ông bà tôi người ta xây lên một KS mini kiêm quán bar, nhạc xập xình suốt đêm, khiến con phố mất hẳn vẻ yên tĩnh ngày xưa. Tôi chẳng bao giờ gặp lại cả T. đen lẫn V. nữa, chẳng hiểu chúng nó bây giờ ở đâu, làm gì.

Chợ Hà Nội

Một thú vui của tôi ngày ấy là bám chân mẹ, bà, hoặc cô út đi chợ. Có thể nói phố nhà tôi nằm ở một vị trí khá thuận tiện nên đi chợ nào cũng gần. Chợ Châu L. cách chục bước chân, nằm về phía hồ Trúc B. Chợ Hoè N. cũng thế, nhưng nằm theo hướng ngược lại, về phía vườn hoa Hàng Đ. Chợ Long B. thì xa hơn một chút, khoảng 10' đi xích lô, trên đê, cạnh bến xe Bến N. Chợ CL có hàng bánh cuốn ngon không tả được. Cách đó vài bước chân, ở góc Đặng D. và Quán T. có một quán bò khô, thỉnh thoảng tôi được mẹ mua cho. Thịt bò dai, ngọt, nộm chua cay rắc rau thơm và lạc, ăn một lần nhớ đời không quên . Tôi thường thích đi chợ CL hơn chợ HN vì ngại đụng thầy cô giáo của tôi. Phần lớn các thầy cô của trường N.C.T ngày đó đều sống ở những phố quanh quanh chợ HN. Những ngày giáp Tết, có người còn làm cả mứt bí mang ra chợ bán. Tôi có một bà trẻ ở ngay trên phố H.N nên mỗi lần đi chợ qua mẹ hoặc bà lại bảo tôi rẽ vào chào bà trẻ. Bà trẻ tôi làm bác sỹ. Sau này đi Angeria rồi chết bên ấy vì sốt xuất huyết. Ngày ấy, chuyện đó thường xảy ra đối với dân trí thức HN đi hợp tác lao động ở châu Phi nên không ai lấy làm ngạc nhiên hay cho là bi kịch gì to tát. Chợ H.N có hàng ốc luộc ngon lắm, nên dù sợ gặp thầy cô giáo, thỉnh thoảng tôi vẫn bám chân cô út đi chợ. Cô út là em út của bố tôi, làm mậu dịch viên và ăn quà rất sành. Hà Nội những năm bao cấp, nghề nghiệp của cô còn oai hơn cả tấm bằng Phó Tiến Sỹ của bố tôi. Cô là thịt, là gạo, là vải của cả nhà. Mặc dù gia đình tôi hồi ấy có phiếu thực phẩm ưu tiêu vì là gia đình liệt sỹ (chú tôi hy sinh năm 1972) nhưng chỉ đến ngày 27/7 hàng năm mới được ưu tiên. Sau này trở lại chợ H.N, tôi không còn thấy hàng ốc luộc ngày ấy nữa (cũng phải thôi, gần hai chục năm rồi còn gì). Chợ H.N bây giờ nổi tiếng về bún ốc đậu. Tôi cũng từng đi ăn ở đó một, hai lần. Quán bẩn, chật, nóng, bún nấu không ra kiểu Hà Nội Tràng An nhưng không hiểu sao ăn vẫn thấy ngon. Chợ LB thì bà và mẹ tôi chỉ đi vào những ngày giáp tết vì đó là chợ đầu mối, mua nhiều thì giá rất rẻ so với các chợ khác. Lá dong, măng, nứa, lạt đều trở từ trên ngược về theo đường sông Hồng. Gà, vịt, từ quê được mang ngay từ bến xe vào chợ, đảm bảo không bị rù.

Có một thứ chợ hấp dẫn tôi nhất hồi ấy là chợ hoa ngày Tết. Chợ hoa của người Hà Nội hồi ấy chỉ có ở phố Hàng L., Hàng M. chứ không mọi nơi mọi chốn như bây giờ. Một tuần trước Tết, chợ đã rục rịch họp. Ngày ấy dân Hà Nội chủ yếu là chơi đào chứ không mấy ai chơi quất như bây giờ. Chợ giăng từ Vườn hoa Hàng Đ. dọc theo Hàng L., Hàng M. Trông xa như một rừng đào rất đẹp. Ngày ấy hoa Tết chưa nhiều chủng loại như bây giờ, người ta chủ yếu chơi Violet, thược dược, và hoa cánh bướm. Bây giờ chợ Tết của người Hà Nội vẫn còn Violet và thược dược nhưng cánh bướm thì đã lặng lẽ biến mất. Đào Nhật Tân thì thu hẹp dần, chẳng biết đến năm tôi về nước có còn lại chút gì hay không.

Tàu điện

"Hà nội có tàu điện ..." (thơ mẫu giáo)

Hà Nội những năm tháng ấu thơ trong tôi còn có tàu điện. Tàu điện Hà Nội sơ sài nhưng tôi thích đi lắm. Ngồi trên tàu điện được ngắm phố phường chạy vun vút hai bên, thích và oai hơn ngồi sau xe đạp của mẹ nhiều. Tàu điện HN thường không có cửa, chắc để hành khách tiện nhảy lên nhảy xuống. Bên trong có hai hàng ghế gỗ sơn màu xanh chạy dọc theo hai bên thành tàu. Khi chuẩn bị lăn bánh hoặc dừng bánh tàu thường kêu leng keng rất vui tai. Tàu điện có chú conductor mặc bộ đồng phục màu ghi xám đi thu tiền và dập vé. Đứa trẻ con nào mà bâu ở bậc cửa lên xuống là chú ấy véo tai cho chết. Có lần tôi cũng bị véo tai đau ơi là đau mà không dám khóc. Ngày ấy bọn trẻ con chúng tôi hay có trò nhảy tàu điện, tức là không đợi tàu dừng đã phi xuống nơi cần xuống. Nhảy tàu cần có kinh nghiệm: chớ bao giờ nhảy ngược hướng tàu chạy mà ngã ngửa, rất nguy hiểm. Kinh nghiệm này tôi học được từ thằng L. nhà bà T. Nó nghịch lắm, chuyên gia nhảy tàu điện và trèo cây hái sấu. Cái H. "nhà quê" một lần bị ngã sứt sát hết chân tay cũng chỉ vì nhảy ngược. Tôi nhớ ngày ấy HN chỉ có mấy tuyến tàu điện là Bờ Hồ - chợ Mơ, Bờ Hồ - Thuỵ Khê, Bờ Hồ - Cầu Giấy, Bờ Hồ- Hà Đông chạy qua Ô chợ dừa- Ngã Tư sở, và Bờ Hồ qua Cửa Nam- Hàng Cỏ- Công viên Thống nhất (*).

Chuyến Bờ Hồ-Thụy Khê chạy qua phố Q.T. Tôi và cái H "nhà quê" hay đón chuyến này đi lên bể bơi thiếu nhi Quận BĐ ở 180 Q.T và Vườn ươm ở Thuỵ Khê. Bể bơi thiếu nhi là nỗi kinh hoàng của tôi. Học đến hai tháng mà tôi vẫn không bơi nổi vì sợ cô giáo. Cô thấy tôi nhát nên toàn dìm đầu tôi xuống nước bắt phải bơi. Nhưng tôi cũng không dám phản ứng vì sợ cô mách bố mẹ. Mà bố mẹ tôi thì kỳ vọng nhiều vào cô con gái đầu lòng lắm, bố mẹ còn dự định cho tôi học đàn và học múa ballet để sau này đi học nghệ thuật bên Liên Xô nữa (và tất nhiên là dự định ấy không thành sau một biến cố lớn xảy đến với gia đình tôi năm tôi lên lớp 7). Cái H "nhà quê" thì chẳng sợ gì cả. Ở "nhà quê" nó toàn lội ao quen rồi. Có lần nó đèo tôi về quê nó ở Nhật Tân, đường làng toàn rơm rạ với phân trâu. Về đến nhà bà nó, thoắt một cái, nó đã lội xuống ao mò cá. H. và tôi có một tình bạn đẹp cho đến tận bây giờ, nhưng đó là chuyện nói sau. Tuyến tàu điện Bờ Hồ-Chợ Mơ thì cứ hai Chủ nhật một lần mẹ đưa hai chị em tôi ra Bờ hồ đón, đến thăm bác. Bác là chị gái của mẹ tôi, sống ở mạn chợ Mơ-Minh Khai. Lúc về ngang qua chợ Cầu Gỗ thế nào mẹ cũng cho chúng tôi ghé vào ăn bánh Tôm. Tôi nhớ bánh tôm ngày ấy ngon lắm cơ, nóng, giòn, bùi, chứ không cứng ngắt và đẫm dầu mỡ như bánh tôm Hồ Tây bây giờ đâu. Thỉnh thoảng từ tàu điện xuống mẹ cũng dắt chúng tôi ra Bốn mùa ăn kem cốc. Đối với bọn trẻ con ngày ấy thì kem cốc là thứ quà sang trọng không gì sánh nổi. Thời bao cấp, nghèo đói, lấy đâu ra nhiều thứ quà bánh như bây giờ. Nhấm nháp vị ngọt mát lạnh tan nhanh trên đầu lưỡi mà sung sướng. Tôi nhớ cả kem Tràng tiền cũng ngon lắm, kem cốm, rồi kem sữa, mùa hè chật ních những người là người chen nhau mua. Nhiều bữa mẹ len được ra ngoài thì hai que kem cho hai chị em tôi đã bắt đầu chảy. Sau này lớn lên, đã đi nhiều nơi, quay về ăn lại kem Tràng tiền không hiểu sao không thấy ngon như ngày xưa nữa. Có phải vì đã nếm qua nhiều của ngon vật lạ nên kem ngon cũng trở nên bình thường hay là bởi khi còn trẻ con thì những cái bình thường nhất cũng cũng đẹp đẽ khác thường như mẹ bảo? Bây giờ mỗi lần ngang qua đó, thấy tụi trẻ con đứng chờ bố mẹ xếp hàng mua kem, tôi lại nhớ về những ngày tháng ấu thơ êm đềm bên mẹ và em trai. Kem Bốn mùa thì dẹp lâu rồi. Bây giờ người ta mở thành quán cafe, bán đủ thứ thâp cẩm. Còn tàu điện thì sau gần hai chục năm vắng bóng, thấy bảo HN lại sắp được chào đón trở lại. Mong ước lắm thay, được một lần nghe lại tiếng tàu leng keng của tuổi thơ!

(*) Hai chuyến Bờ Hồ-Cửa Nam và Bờ Hồ-Hà Đông là do một đồng chí vừa bổ sung hộ.

Hà Nội - những tiếng rao

Ở đây tôi không kể về những tiếng rao của hàng quà rong Hà Nội vì đã có quá nhiều người viết về nó rồi. Những tiếng rao trong ký ức tuổi thơ của tôi giật gân hơn nhiều cơ.

Những ai sống trong khu vực phố cổ vào thập kỷ 80 chắc hẳn không bao giờ quên được tiếng rao rất đặc trưng của công ty ... Vệ sinh vào lúc khoảng 7-8h tối mỗi ngày. Ngày ấy hệ thống nhà vệ sinh trong các phố cổ còn rất lạc hậu. Phần lớn các nhà vệ sinh đều không có bể phốt tự hoại mà chỉ dùng thùng chứa bên dưới và cần phải thay mỗi ngày. Tối tối, công ty vệ sinh lại cho người đến mỗi nhà đổi thùng cũ của một ngày lấy thùng mới. Điều trái khoáy nhất là giờ đổi thùng lại luôn trùng với giờ dùng cơm tối của các gia đình. Thành ra, hễ nghe thấy tiếng rao "Đổi thùng đê" từ ngoài đầu phố vọng vào là các gia đình phải ba chân bốn cẳng thu dọn mâm bát cho nhân viên vệ sinh vào thực hiện nhiệm vụ . Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc này là khoảnh khắc kinh khủng nhất trong ngày. Nhiều khi xe tải của công ty vệ sinh đi rồi, cả phố vẫn còn nồng nặc mùi đặc trưng không tan đi được.

Vào những năm 80, Hà Nội còn có phong trào nuôi lợn (cũng giống như phong trào nuôi chim cút, nuôi chó cảnh, hay dùng than tổ ong sau này). Hầu như nhà nào cũng phải có một cái chuồng lợn, dù to dù nhỏ. Những năm ấy đồng lương ít ỏi, giá cả lại leo thang mỗi ngày, con lợn trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Tôi nhớ một ông GS toán nổi tiếng còn phát biểu - tuy là đùa nhưng không kém phần chua chát - rằng "Không phải là tôi nuôi lợn mà là lợn nuôi tôi" . Hồi ấy nhà ông bà tôi cũng có một cái chuồng lợn. Gọi là chuồng cho oai nhưng thực ra nó chỉ là một mảnh gỗ chặn ngang lối vào nhà vệ sinh, ở trong có nhốt con lợn . Khi phong trào nuôi lợn trở nên rầm rộ thì nghề hoạn lợn là nghê rất có giá. Phố tôi hôm nào cũng thấy xuất hiện một ông hoạn lợn cưỡi chiếc xe đạp Thống nhất lạch xa lạch xạch từ đầu phố đến cuối phố dõng dạc rao "Ai hoạn lợn đê". Phải nói ông này là khắc tinh của lũ lợn. Vừa thấy tiếng ông đầu phố là lũ lợn đã rủ nhau eng éc phán đối ầm ĩ cả phố . Cùng với tiếng rao "Đổi thùng" thì tiếng rao "Ai hoạn lợn" và tiếng lợn kêu eng éc đã trở thành một phần ký ức không thể quên được của tuổi thơ tôi nơi phố cổ Hà Nội.

Trẻ con Hà Nội chơi gì?

Thập kỷ 80, trẻ con Hà Nội chơi gì? Tất nhiên không phải là chơi điện tử hay lên chatroom như trẻ con bây giờ rồi.

Những năm bao cấp, đi khắp Hà Nội cũng chỉ tìm được vài gian hàng bán đồ chơi cho trẻ con, to nhất là cửa hàng Bách Hoá 12 Bờ Hồ, Bách Hoá Tràng Tiền, và Bách Hoá Cửa Nam. Đồ chơi chủ yếu bằng nhựa: những búp bê, súng lục, xe tăng lên dây cót, sang lắm thì rubik, bộ đồ nấu ăn của Sài Gòn. Sờ vào rìa nhựa cứa đứt tay. Làm gì có những Babie với lại người máy như trẻ con bây giờ. Chỉ có đứa nào có bố mẹ đi Liên Xô thì mới được hưởng tý mùi "ngoại quốc" qua những con búp bê biết khóc, biết đi, những con lật đật xanh đỏ, hay là đoàn tàu chạy bằng pin.

Vậy nên Trung thu bao giờ cũng là một ngày hội cực lớn đối với trẻ con chúng tôi thời bấy giờ. Trung thu có chợ Hàng mã, bán toàn đồ chơi đẹp ơi là đẹp, từ mặt nạ, đầu sư tử, đến lồng thiên nga, mũ miện, và các loại đèn: đèn kéo quân, đèn con thỏ, đèn lồng, đèn ông sao ... Tôi có bác ruột (chị gái của bố ở phố Thuốc Bắc nên Trung thu năm nào mẹ cũng đèo hai chị em đến gửi xe ở nhà bác và dắt luôn các anh các chị nhà bác đi chợ Hàng mã cùng. Có năm chị em tôi được mẹ mua cho một cái tàu thuỷ làm bằng sắt Tây, khi đổ dầu vào nó cũng chạy được trên mặt nước, rất oai . Nhưng phần lớn thời gian thì mẹ chỉ đủ tiền để mua đèn ông sao và lồng thiên nga cho chúng tôi thôi. Thậm chí hồi bố còn ở Liên Xô, mẹ một mình nuôi hai chị em, có những năm nghèo quá mẹ còn phải mua giấy màu về tự làm đèn ông sao, đèn con thỏ và cắt mũ miện cho chúng tôi nữa. Mẹ sợ chị em tôi tủi thân với trẻ con hàng xóm. Bây giờ lớn lên, nhớ lại những năm tháng ấy nhiều khi muốn rớt nước mắt vì thương mẹ vất vả.

Trẻ con HN những năm 80 không biết đến những trò chơi quý tộc như trượt patin, đua xe đạp địa hình nên đành xả hơi vào những trò chơi dân dã như thả diều, trèo sấu, bắt ve, ném lon, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi rồng rắn lên mây, hay nhảy dây, nhảy ngựa, khênh đám ma. Tôi còn nhớ hàng sấu trên phố PĐP mùa hè năm nào cũng bị tụi trẻ con vặt trụi quả. Có một thằng bằng tuổi tôi đã rơi từ một cây sấu xuống đất chết tươi. Thằng đó tên là T, nhà ở cuối phố QT, học trường VN-CB. Hôm đám ma nó tôi cũng đến xem, bố mẹ nó ngất lên ngất xuống.

Trẻ con Hà Nội ngày ấy đọc và xem gì? Có thể tự hào mà nói rằng thế hệ chúng tôi đọc nhiều và ham đọc hơn trẻ em bây giờ. Có lẽ cũng vì ngày ấy ít đồ chơi quá. Mặc dù sách cho thiếu nhi ngày ấy không được đa dạng và phong phú như bây giờ. Sách trong nước in bằng giấy đen, rất xấu xí, chủ yếu là truyện người tốt việc tốt như tấm gương anh Nguyễn Ngọc Ký, hay em Nguyễn Bá Ngọc, truyện kể về những anh hùng thiếu nhi như Trần Quốc Toản, hay gần hơn nữa là Kim Đồng, Nông Văn Dền, Đội thiếu nhi Bát Sắt, Đội du kích Đình Bảng, vân vân. Truyện Liên Xô thì thường được in bằng giấy trắng, bìa cứng, lại có cả tranh vẽ, đẹp hơn rất nhiều (có lẽ được Liên Xô tài trợ. Những truyện như Ông già Khốt Ta Bít, Mít Đặc và Biết Tuốt, Buratino, Timua và đồng đội, Ngày hội không vâng lời là cả một thế giới mới mở ra đối với thế hệ chúng tôi thời bấy giờ. Chị em tôi bao giờ cũng tự hào là có tủ sách to nhất trong phố, mặc dù gia đình không dư dả. Bố mẹ luôn khuyến khích chúng tôi đọc, và phần thưởng cho chúng tôi bao giờ cũng là những cuốn sách, truyện. Bây giờ đi ngang qua hiệu sách phố Hàng Đậu tôi vẫn còn nhớ bố đã mua cho tôi cuốn Ông già Khốt Ta Bít ở đó nhân ngày kết thúc năm học. Những năm không có tiền mua sách, thậm chí mẹ còn phải cắt truyện trong hoạ báo Liên Xô ra đóng thành truyện cho chúng tôi. Còn bố thì dịch những cuốn truyện cổ tích tiếng Nga mà bố mang về cho chị em tôi đọc. Có lẽ tình yêu tri thức và văn học trong tôi đã bắt nguồn từ những ngày ấy?

Nói về xem thì có lẽ thế hệ chúng tôi cũng vẫn cứ may mắn hơn trẻ con bây giờ. Mặc dù phim ảnh cho trẻ con ngày ấy không nhiều được như trên TV bây giờ. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn có phim riêng chiếu ngoài rạp, như "Tấm da lừa" (không phải truyện của Balzac), "Người đẹp và dã thú", "Vua quạ", vv. Trẻ con không bị đầu độc bởi những "Cô gái chân dài" hay "Giá nhảy" rồi những "Mummy", "Mummy Return". Tôi còn nhớ có lần được bố mẹ dẫn đi xem ballet ở rạp Hồng Hà và Nhà hát lớn, vở "Chú ngựa gù" và "Người đẹp ngủ trong rừng" do các diễn viên ballet của nhà hát Tuổi trẻ diễn. Hình như giờ đây ballet cho trẻ em đã trở thành một hoài niệm? Nếu như vậy thì tiếc thay.


Nguyễn Thủy Minh, Auckland July 2004 -NCTG Read More!

Tết xưa của người Hà Nội

Có thể nói tôi sinh ra trong một gia đình khá "lễ giáo" theo lối người Hà Nội xưa, mặc dù chúng tôi gốc gác không phải là người Kẻ Chợ.Quê nội tôi nằm ở một làng nhỏ ven Hà Nội thuộc Kinh Bắc - nơi phát tích của dòng họ Lý. Nhưng ông bà nội tôi đã chuyển ra Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Quê ngoại tôi ở Hà Đông nhưng ông bà ngoại cũng chuyển ra Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Có lẽ chính vì thế mà gia đình tôi vẫn còn giữ một vài những nếp xưa (học đòi theo lối) của người Kẻ Chợ. Một trong số ấy là thói quen chuẩn bị và đón Tết.

Tôi còn nhớ những ngày giápTết bao giờ cũng là những ngày náo nức và tấp nập nhất trong đại gia đình chúng tôi. Trước ngày ông Táo về trời, tôi theo chân bà đi chợ Long Biên - Bến Nứa.Đối với chúng tôi, những gia đình sống quanh khu Yên Phụ - Hàng Than thì chợ Long Biên cũng giống như chợ Đồng Xuân của những người dân trên các phố Hàng Lược - Hàng Đào hay chợ Hàng Da đối với những người dân ở các phố Hàng Bông - Hàng Điếu vậy. Chợ Long Biên nằm ngay Đê Yên Phụ, cạnh bến xe Bến Nứa. Chợ nằm cách nhà vài con phố, qua dốc Hàng Than một tý là đến nơi, nên bà cháu tôi thường thong thả đi bộ. Là chợ đầu mối nên nó có đủ thứ thựcphẩm, nguyên vật liệu, và đặc biệt là nó bán giá rẻ hơn những chợ trung tâm khác. Bà thường mua lá dong ở đây (thấy bảo rất rẻ vì người ta chở ngay từ mạn ngược về theo đường sông Hồng). Rồi thì gạo nếp, đỗ xanh, miến, bóng, mộc nhĩ, măng khô, bánh đa nem, vân vân. Không hiểu không khí nhộn nhịp của chợ Tết hay là cảm giácđược tham dự vào cái Tết của người lớn đã khiến tôi, cô bé con mới 9, 10 tuổi đầu khi ấy, háo hức đến thế. Như thể đó cũng là một phần nghi lễ quan trọng của ngày hội năm mới đối với tôi. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn nhớ cái không gian tôi tối, chật ních hàng hóa, cùngvới những lối đi nhỏ, nhem nhép bùn giữa các gian hàng,và cái không khí ồn ào huyên náo của buổi chợ Tết - tiếng gà, lợn kêu, tiếng người mặc cả, khen chê, có cả tiếng còi rất "mất trật tự" chốc chốc lại ré lên của những người quản lý chợ. Lúc về, bà hay gọi xích lô cho đỡ nặng. Giáp Tết, trời rét căm căm, lại lất phất mưa. Tôi co ro trong chiếc áo bông, ngắm nhìn những con phố lầm lũi trong mưa bụi, thoáng nghe đâu đó tiếng bà than phiền với bác xích lô: "Năm nay rét thế không biết đào có ra hoa được không?!"

Qua cái Tết ông Táo, các hộ gia đình trong phố tôi thường nô nức chuẩn bị gói bánh chưng. Người ta vác ở đầu về những cái thùng phuy to đùng, rồi củi, để đun bánh. Nhà tôi có cô út làm mậu dịch viên nên cũng mượn được cái thùng phuy to tướng. Bố lễ mễ chở sau xe đạp về nhà. Tết dường như đã bước vào nhà cùng với chiếc thùng phuy của bố. Nhà tôi hay gói bánh vào 27 hoặc 28 Tết. Bố tôi là con trai trưởng nên ở cùng ông bà và phải chịu trách nhiệm lo bánh cho cả đại gia đình, nghĩa là ngoài gia đình tôi còn thêm gia đình bác cả chị ruột của bố, và gia đình hai cô. Bác và hai cô đều ở trên phố cổ, chật chội không có chỗ đun bánh. Những ngày gói bánh là những ngày vui không thể tả nổi đối với bọn trẻ con chúng tôi. Đi học quanh năm, bây giờ mới là dịp để anh em con chú con bác tụ tập nhau lại. Tôi còn nhớ mẹ và các cô thường rửa lá, vo gạo, vo đỗ dưới sân, ríu rít chuyện trò (nhà ông bà tôicũng giống như hầu hết các nhà ống khác của phố cũ Hà Nội,bao giờ đi hết một gian nhà cũng là một khoảng sân rộng nối liền gian nhà trên với bếp). Mẹ bảo rằng gói bánh chưng là một quy trình hết sức công phu, ngay từ khâu chuẩn bị. Trước hết lá phải rửa kỹ để khỏi mốc bánh nhưng không được làm nát hoặc rách lá. Gạo ngâm phải vừa đủ lâu để bánh được rền nhưng không được lâu quá kẻo nhão bánh. Vo phải hết sức cẩn thận kẻo sót sạn thì bánh không ngon, lại phải thật sạch để bánh khỏi bị chua, có thể để đến qua Rằm. Đỗ trước hết phải lăn chai cho vỡ rồi ngâm nước ấm để tách vỏ và phải sàng sảy thật kỹ kẻo sót vỏ đỗ, người ăn sẽ chê người gói vụng. Sảy đỗ có lẽ là công việc tỉ mỉ và mệt nhất. Tôi nhớkhông biết bao lần lưng mẹ như đã oằn xuống trước mỗi rá đỗ xanh. Xong khâu chuẩn bị thì khâu gói bánh cũng cầu kỳ không kém. Thường thì muốn bánh vuông vức, người ta phải dựng khuôn trước rồi mới đổ gạo, đỗ, và nhân. Nhưng mẹ gói bánh rất tài tình, không cần dựng khuôn mà chiếc nào chiếc nấy vẫn vuông chằn chặn và rất đều nhau. Nhà tôi năm nào cũng gói đến trên mười cân bánh, để dành cho cả ra Giêng.Hà Nội những năm bao cấp nghèo lắm, nghèo đến mức bánh chưng cũng là một thứ xa xỉ mà chỉ có dịp Tết mới được ăn thật nhiều, nên nhà nào cũng cố gói dư dư để dành đến ra Giêng rán lên cho lũ trẻ con còn chút dư âm của những ngày Tết no đủ đã qua.

Khâu luộc bánh chưng luôn là khâu mà lũ trẻ con chúng tôi háo hức nhất. Mẹ bao giờ cũng gói sẵn vài chiếc bánh tý hon từ chỗ gạo, đỗ, và nhân còn thừa lại, để riêng cho chúng tôi.Những chiếc bánh ấy gọi là "bánh thử". Những chiếc "bánh thử" được vớt ra đầu tiên cho trẻ con nếm mà không cần đợicúng cụ, còn gì sướng bằng. Lũ chúng tôi chạy nhảy hò hét chán, chốc chốc chạy lại chỗ đun bánh hỏi bao giờ "bánh thử"chín, thể nào cũng được bà mắng cho một câu: "Quẩn chân!" Ấy thế mà vẫn cứ sán lại, háo hức. Nhất là đến khi bánh được vớt ra, xếp chật một dãy nhà ngang, chèn thêm tấm ván lên trên cho ráo nước, - mặc dù đã được ăn trước bánh thử - lũ chúng tôi vẫn xúm lại hà hít, để bà lại mắng cho: "Bánh này là để cúng cụ, đứa nào ngửi là phải tội, bà cho ăn đòn!"

Chiều Ba mươi Tết, mẹ đun một nồi nước lá mùi to tướng để tắm "tẩy trần" cho chị em tôi. Nước lá mùi thơm như một hoài niệm, một nếp xưa, tôi chẳng biết có từ khi nào, truyền lại từ đời nào, nhưng thiêng liêng như là cội nguồn, mà chỉ có ai thấm đẫm trong không gian ấy mới cảm nhận được. Những năm xa xứ sau này, mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ quay quắt nồi nước lá mùi của mẹ. Tết nơi xa xứ, dù có bánh chưng xanh,dưa hành, câu đối đỏ, nhưng thiếu hương lá mùi phảng phất, thì vẫn là thiếu tất cả.

Bữa cơm chiều Ba mươi cúng cụ có đủ các món cầu kỳ mà ngày thường không mấy khi có dịp nấu đến. Và những món ấy lặp lại đầy đủ trên mâm cơm cúng ba ngày Tết, cho đến tận khi làm lễ Hóa vàng tiễn các cụ. Sau bữa cơm chiều (tất niên) mẹ và bà lại lụi cụi thổi xôi, luộc gà, chuẩn bị cúng Giao thừa, rồi bày bàn thờ và mâm ngũ quả. Còn chị em tôi theo chân bố đi chợ hoa Tết. Chợ hoa Hàng Lược cách nhà tôi độ mười phút đi bộ, người đông như nêm. Đi chợ hoa đêm Ba mươi là một cái thú. Thú ngắm người, ngắm phố phường, ngắm trời đất sắp bước vào giây phút giao hòa. Ba bố con đi dạo mộtvòng, có năm mua vài bông violet tượng trưng, có năm chẳng mua gì, vì hoa Tết thực ra đã mua từ hôm trước rồi chứ chẳng ai đợi đến đêm Ba mươi mới đi mua cả.

Sáng Mùng Một Tết, sau khi ngủ dậy, thay quần áo chỉnh tề, việc đầu tiên của chị em tôi là ra trước bàn thờ cúng cụ rồi vào khoanh tay chúc Tết ông bà. Sau đó ngồi im xem vô tuyến, chờ cúng cụ xong thì ăn cơm. Sáng Mùng Một là phải ngoan, không được chành chọe nhau, không được làm đổ vỡ, không được chạy ra ngoài đường. Sáng Mùng Một không ai mắng trẻ con bao giờ, mà cũng chẳng cần phải mắng. Khôngkhí trang trọng trong nhà cũng đủ làm cho lũ trẻ con chúng tôi e dè và trật tự hơn bao giờ hết. Sau bữa cơm sáng, bố chuẩn bị pháo, chờ khách đến xông nhà thì đốt. Pháo nổ càng giòn,càng to thì càng được coi là may mắn. Mùi thuốc pháo thơm nồng, quyện lẫn trong mùi hương trầm phảng phất, sao náo nức và thiêng liêng đến thế. Sau này, nhà nước có quy định cấm đốt pháo, dù vẫn biết như thế sẽ an toàn hơn cho người dân, nhưng tôi vẫn cảm thấy như thiếu vắng, như nhớ thương một không gian Tết chỉ còn trong ký ức.Thời thế bây giờ thay đổi nhiều lắm rồi. Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều rồi. Bây giờ chẳng ai gói bánh chưng nữa.Người ta đặt gói, hoặc mua sẵn cho tiện. Mà Tết bây giờ cũng chả mấy ai ăn bánh chưng. Các món ăn cổ truyền ngày Tết như canh bóng nấm hương, canh măng chân giò, thịt kho đông, giò thủ, bò kho, áp chảo, v.v... bị chê là ngán, thừa thịt thiếu rau, không cân bằng dinh dưỡng. Phở, bún, miến các loại lên ngôi. Ngay xưa chả ai ăn ốc đầu năm, nhưng bây giờ,bún ốc lại là món đắt hàng nhất trong những ngày Tết ở HàNội. Trước Tết gọi điện về nhà thấy mẹ bảo năm nay nhà lại gói bánh chưng, chứ bánh ở ngoài sạn lắm, ăn không được, bỗng tất cả ký ức xưa lại ùa về trong tôi. Một không gian cổ kính, trầm mặc, có dáng mẹ cặm cụi bên rổ gạo nếp, lá dong,và tiếng pháo đì đẹt xa xa, báo hiệu mùa Xuân về.

(Nguyễn Thủy Minh, Auckland. Mùng Một Tết Ất Dậu - NCTG) Read More!

Thống kê web