Chủ Nhật, tháng 7 24, 2011

Ước mơ Việt

Đọc Chinatown (của Thuận), có đoạn này, cười muốn chảy nước mắt vì sao mà nó khắc họa đúng thế cái giấc mơ con đè nát cuộc đời con vừa tội nghiệp vừa mỉa mai của đời đời kiếp kiếp trí thức Việt:

"Bố mẹ tôi cóc cần chính trị, cóc cần biết tư bản là gì xã hội chủ nghĩa là gì, cóc cần biết Chirac Putin là một ông hay hai ông. Bố mẹ tôi chỉ cần hai chữ tương lai. Tương lai những năm tám mươi của bố mẹ tôi trọn vẹn một màu đỏ của nước Nga Xô Viết. Con gái học ở Nga, con rể cũng học ở Nga, về nước cả hai làm việc ở các bộ hoặc các trường đại học. Được vài ba năm, cả hai lại cùng thi nghiên cứu sinh, bố tôi sẵn sàng xếp hàng cả ngày mua bộ óc lợn thứ hai, mẹ tôi cũng không ngại gì cho thêm đỗ, bóc thêm kẹo mậu dịch để nấu bát chè nữa cho con rể. Tại Nga, trong khi chờ đợi bảo vệ luận án phó tiến sĩ, hai vợ chồng trẻ tranh thủ vào đảng, phó tiến sĩ kèm theo từ đảng viên mà cho lên các vi dít thì thật là lý tưởng, rồi cũng nên tranh thủ sắm cái tủ lạnh cái vô tuyến để cho vào thùng hàng biển, đừng quên chèn vào xung quanh mấy chục cái nồi hầm và vài trăm vòng bi ô tô để vô tuyến với tủ lạnh đỡ bọ công kênh ba tháng liền trên mặt nước. Nếu còn thời gian thì tại sao không cho ra đời một thằng cu cho nó biết mùi bơ sữa, cho nó bập bẹ tiếng Nga, mười tám năm nữa có quay lại cũng không bị ngơ ngơ ngáo ngáo. Về nước, hai vợ chồng trẻ nên bán đống nồi hầm và vòng bi ô tô cho đỡ cồng kềnh mà mua lấy căn hộ lắp ghép trong khu Kim Liên do kiến trúc sư Liên Xô thiết kế để tủ lạnh và vô tuyến Liên Xô có chỗ mà bày. Được vài năm, hai vợ chồng lại cùng thi nghiên cứu sinh cao cấp, nếu cần bố tôi vẫn còn đủ sức để xếp hàng mua óc lợn, mẹ tôi vẫn còn sức để nấu chè đỗ đen (...) Về nước lần thứ ba, hai vợ chồng lúc đấy vừa trạc bốn mươi, các vi dít tiến sĩ đảng viên vừa in tiếng Việt vừa in tiếng Nga đỏ chói. Vợ trưởng bộ môn, chồng trưởng phòng nghiên cứu, hoặc ngược lại, điểm này cũng không nên câu nệ lắm. Một năm vài lần vào dự tiệc Sứ quán Liên Xô, bắt tay vỗ vai chuyên gia Liên Xô, quay lại Liên Xô tham gia hội nghị khoa học, gặp lại các anh em thương vụ và sứ quán ta ở Matxcơva, nhân tiện mang giúp cho họ một ít áo phông cành mai, bút chì kẻ mắt và kính đổi màu, chả nhẽ mấy cái thùng các tông lại dùng để đựng có hai tờ giấy đánh máy đề tài nghiên cứu khoa học. Tiền rúp không nên mang về Việt Nam đề phòng Liên Xô đổi tiền lúc nào không biết. Tiền rúp nhờ các anh em thực tập sinh có nhiều thời gian rảnh rỗi xếp hàng mua hộ mấy nghìn vỉ kháng sinh giúp người bệnh trong nước bệnh gì cũng chữa bằng kháng sinh Liên Xô. Đi lại gặp gỡ như thế sáu cách tiếng Nga cũng đỡ bị quên. Hai vợ chồng nói với nhau, thỉnh thoảng đệm vài từ khờ-ra-sô, con cái vẫn hiểu vì bảy tuổi đã được gửi hết vào các lớp chuyên Nga của Hà Nội, bạn bè đến chơi cũng toàn dân khơ-ra-sô bằng đỏ Liên Xô đang nhăm nhe chức viện phó viện này, hiệu trưởng trường kia, roạt một cái trong túi rơi ra một xấp các vi dít đỏ chói tiến sĩ đảng viên. Đỏ chói như màu bố mẹ tôi vẫn tô hai chữ tương lai. Hai chữ ấy đổ kềnh đổ càng ngày Liên Xô tan rã, sinh viên thực tập sinh Việt Nam ở Nga không còn cả bắp cải mà nấu với thịt cừu. Bố mẹ tôi cho phe chủ nghĩa xã hội một giọt nước mắt còn cho hai chữ tương lai hai cái khăn mùi soa ướt. Cả tuần liền mẹ tôi ốm, bố tôi bỏ cơm, nhà như có đám. Đến ngày thứ tám, bố mẹ tôi gượng dậy. Bố mẹ tôi không khoanh tay bao giờ. Bố mẹ tôi vắt kiệt hai cái khăn mùi soa, quyết tâm tìm địa bàn mới cho hai chữ tương lai ..."

Và địa bàn mới cho hai chữ tương lai ấy giờ đây hẳn nhiên là các nước Tây Âu đang bị mê hoặc bởi mùi ê-dô-tích Á Đông, là phó mát, rượu vang, toi et moi, etc.

PS: Đọc Chinatown, ấn tượng nhất là cái humour của tác giả. Một cái humour rất Bắc Kỳ :P.



(Universal Studio in Osaka, Jul 2010)

Còn đây là ước mơ của trí ngủ Việt: chụp ảnh khoe hàng trên blog :))

Read More!

giáo dục bằng nhục hình

Không thể hiểu nổi tại sao những giáo viên có lối suy nghĩ như thế này vẫn được hành nghề:

http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/869335/

Sử dụng hình phạt theo lối hạ nhục chỉ chứng tỏ một điều là giáo viên đó bất lực. Cách giáo dục bằng đòn roi hạ thấp lòng tự trọng của học sinh, khiến chúng hoặc trở thành những kẻ cam chịu áp bức, hoặc trở thành những kẻ chống đối bất cần. Cả hai trường hợp đó đều là sự thất bại của giáo dục.

Gần đây Bộ GDĐT có quy định cấm giáo viên quát mắng, dọa nạt trẻ em. Tôi nghĩ quy định này cần phải mở rộng thành cấm làm nhục học sinh nói chung chứ không nên chỉ giới hạn ở việc cấm quát nạt. Việc làm nhục có thể có nhiều hình thức. Quát mắng, dọa nạt, đánh đập là hình thức dễ thấy nhất. Nhưng còn việc khiển trách cá nhân học sinh trước tập thể thì không phải ai cũng thấy là phản giáo dục. Các bạn đã từng học ở các nước tiên tiến/ có con cái đi học ở các nước tiên tiến, có bao giờ thấy giáo viên đưa bài làm của học sinh ra trước lớp để chế giễu hay không? Học sinh học lực kém, ý thức kỷ luật kém có bao giờ bị nêu danh trước toàn trường hay trước toàn thể phụ huynh hay không? Việc cố tình làm cho học sinh phải thấy xấu hổ trước tập thể là gì nếu không phải là một hình thức làm nhục chúng?

Nếu hiểu giáo dục nghĩa là khuyến khích được cái tốt đẹp nhất ở mỗi con người thì những hình thức giáo dục nói trên hoàn toàn phản giáo dục vì nó không những không khuyến khích được điều đó mà còn để lại những vết sẹo xấu xí, méo mó trong tâm hồn đứa trẻ. Và thật đáng sợ nếu những đứa trẻ ấy lớn lên trở thành bố mẹ, thầy cô, lại áp dụng đúng cái cách thức giáo dục duy nhất mà chúng được biết đến ấy cho những thế hệ sau, sau nữa. Với hệ quả là những thế hệ công dân chỉ biết sử dụng sức mạnh để làm nhục lẫn nhau, không biết cộng tác trên cơ sở tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.

Bonus thêm một bài:

Giáo viên phải đeo thẻ "Giáo viên chưa đạt chuẩn".

Bó tay! Có cần phải làm nhục ng khác như thế ko?

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/09/3BA13C5D/ Read More!

Bài thơ cũ

Kobe, Japan - July 2010



Tấm hình cây cầu treo(*)
Anh tặng em ngày ấy
Bắc ngang qua vực xoáy
Giữa biển mịt mờ sâu

"Vượt qua mọi khổ đau
Những cây cầu hùng vĩ
Giữ niềm tin em nhé
Dù khốc liệt cuộc đời"

Những tháng ngày chơi vơi
Âm thầm em nhắc lại
Anh bây giờ xa mãi
Lời nhắn buồn trên môi

Cây cầu xưa anh ơi
Không vượt qua khoảng cách.

2001

---
(*) Cây cầu treo Onaruto bắc qua biển nối hai thành phố Kobe và Tokushima. Read More!

Thống kê web