Chủ Nhật, tháng 8 06, 2006

Gặp Phạm Duy tại Hà Nội

Gặp ông tại khách sạn Salut số 7 Hàng Dầu vào một trưa cuối tuần. Nhìn ông tinh anh, vui vẻ, và vẫn rất phong độ ở cái tuổi “xưa nay hiếm” dù vừa trải qua cuộc phẫu thuật tại Mỹ. Đây là chuyến trở ra Bắc đầu tiên của ông sau khi chính thức trở về từ Thị trấn Giữa Đàng. Một chuyến đi giản dị, lặng lẽ, chủ trương không có sự ồn ào của báo chí, theo như người con trưởng của ông, ca sĩ Duy Quang, cho biết.

border="0" />Hỏi chuyện ông về chuyến trở ra thăm Hà Nội lần này, ông nói rất vui. Ông kể ông sinh ra và lớn lên tại phố Hàng Dầu. Thương lắm. Nên lần nào về tới Hà Nội ông cũng chọn nghỉ tại khách sạn nơi đây dù khách sạn nhỏ và không mấy tiện nghi. Cái gì đã thân thuộc với mình như máu thịt, dù nó có nhỏ bé, mình vẫn mong được quay về với nó chứ. Dù rằng Hà Nội giờ đã khác rất nhiều so với Hà Nội “dáng kiều thơm” trong ông nửa thế kỷ trước đây.

Rồi ông sôi nổi quay ra bảo người con trưởng Duy Quang bật cho tôi nghe những bài hát ông viết tặng cho Hà Nội - “Tây Tiến” (phổ thơ Quang Dũng) (tự ông hòa âm cho đúng không gian và bối cảnh của Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước), “Mơ dạo xuân Hà Nội” (phổ thơ Thảo Chi) trong CD “Hương Ca“ gồm 10 ca khúc tình tự dân tộc mà ông đang xin phép Bộ Văn hóa & Thông tin cho phổ biến tại Việt Nam. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa say sưa giơ tay đánh nhạc tưởng tượng theo bài hát, tôi chợt hiểu vì sao nhạc của ông lại có sức quyến rũ lòng người đến thế. Cũng như chính sự sôi nổi, tràn đầy tình yêu với cuộc sống của ông có sức lôi
cuốn người khác đến lạ. Nhìn ông nói, ông cười, ánh mắt hóm hỉnh, câu văn dí dỏm, giọng nói còn sang sảng tràn đầy sinh lực, tôi tin sức sáng tác của ông còn dồi dào lắm.

Trong bức thư điện tử gửi cho bạn bè và thân hữu trước khi trở về quê nhà, ông khoe ngay trên giường bệnh, trước giờ phẫu thuật, đã phổ nhạc xong cho bài thơ Đường nổi tiếng trong văn học cổ Trung Hoa - bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” (Thôi Hiệu) - chỉ trong vòng có nửa tiếng đồng hồ. Và một bài hát khác nữa - “Tỳ Bà Hành” (trong “Minh họa Kiều”) - cũng được ông viết phỏng theo thơ Bạch Cư Dị ngay trước ngày lên đường trở về quê nhà. “Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (“Hoàng Hạc Lâu”). Tôi hiểu ông nặng tình quê hương biết mấy. “Trăm năm bến cũ” là đây. Người đã trở về từ bến bờ xa lạ. Hạc vàng biết quý, biết trân trọng thì sẽ chẳng bay đi đâu nữa cả vì còn có nơi đâu bằng được quê hương mình?

Chia tay ông, tôi bỗng nhớ tới lời ông nói khi cắt nghĩa cho tôi nghe về hai bài hát của ông trong “Hương Ca”. Phải biết cởi bỏ, biết quên. Quá vãng là điều đã qua, thì sao lại không cùng nhau nhìn về phía trước?

(Nguyễn Thuỷ Minh, 10-6-2005, từ Hà Nội - NCTG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.


Thống kê web