Thứ Năm, tháng 8 10, 2006

Hãy thích cùng tôi

Thúy Bắc

Tôi nhớ một nữ sĩ luôn chứa ẩn nỗi buồn sâu kín nơi đáy mắt. Ấn tượng của tôi về bác là một người đàn bà nhỏ bé, khắc khổ, lặng lẽ, ít lời. Sinh thời, nhà thơ Thúy Bắc từng sống ở khu C4, tập thể Giảng Võ, chung cầu thang với gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Tôi gặp bác nhiều lần nhưng không hình dung đó lại là tác giả của "Sợi nhớ sợi thương". Ngày ấy còn nhỏ, tôi cứ nghĩ các nhà thơ thường phải có một dáng vẻ mơ màng chứ không phải dung dị như người đàn bà mà tôi vẫn gặp bên chiếc bếp than tổ ong.

"Trường Sơn Đông
Trường Sơn Tây
Bên gió quất
Bên mưa quây
Em giang tay
Em xoè tay
Chẳng thể nào
Xua tan mây"

Bài thơ ấy được phổ nhạc, từng được một thế hệ yêu thích. Và tôi có lẽ cũng chỉ biết đến thế về Thúy Bắc nếu như không có một lần tình cờ tôi đọc được một bài thơ khác của bác:

Nhiều năm em đợi anh
Gió đêm về hoang dại
Bặt tin người trở lại


Ngày em đi lấy chồng
Mây buông dải tang thầm
Tiễn một đời con gái


Lời thơ giản dị mà khiến tôi sững sờ. Không một câu óan trách, người con gái ấy âm thầm chôn chặt vào lòng nỗi đau của một tình yêu dang dở, của một cuộc hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu. Có nhiều khi đọc lại bài thơ này tôi vẫn còn cảm thấy hỏang hốt. Cuộc sống này, có nhiều trắc trở như thế không? Về sau, tôi còn đọc được 1 bài thơ khác của Thúy Bắc, đại lọai cũng nói về một tình yêu dang dở, khi anh trở về thì em đã có chồng. và em phải đối diện với một bên là anh, một bên là gia đình. Nhưng bài thơ không hay và cô đọng như bài thơ trên nên tôi không nhớ được câu nào.

Tôi lờ mờ cảm nhận có lẽ người đàn bà ấy đã giấu đi rất nhiều ưu phiền đằng sau cái vẻ lặng lẽ cam chịu ấy.

Tháng năm qua đi. Một ngày kia tôi trở về nhà sau một thời gian đi xa. Mẹ tôi bảo: "Bác Thúy Bắc mất rồi con ạ". Sững sờ. Lại là cái cảm giác ấy, cái cảm giác của lần đầu tiên khi tôi phát hiện ra điều u uẩn trong tâm hồn bác.

Người đàn bà ấy đã đi qua cuộc đời này lặng lẽ quá, ai biết được có bao nhiêu nước mắt, nụ cười, bao nhiêu niềm vui, nỗi khổ trong cuộc đời ngắn ngủi của nhà thơ?

Có thể tất cả những người yêu thơ Thúy Bắc sẽ nhớ đến nhà thơ qua bài "Sợi nhớ sợi thương". Nhưng không hiểu sao, với tôi, ám ảnh hơn cả lại là những câu thơ lặng lẽ mà như cứa vào dạ này:

Nhiều năm em đợi anh
Gió đêm về hoang dại
Bặt tin ngừoi trở lại


Ngày em đi lấy chồng
Mây buông dải tang thầm
Tiễn một đời con gái

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1am 10/6/03


Bảo Chân

Có lẽ hơi lộn xộn về mặt thời gian, nếu như xếp chị ngang hàng cùng Thúy Bắc. Vị trí thứ hai tôi định trang trọng dành cho Đoàn Thị Lam Luyến, một hồn thơ đã quyến rũ tôi đến quên ăn quên ngủ. Nhưng chưa đủ thời gian cũng như sự chuẩn bị để viết về cô. Tôi muốn bài viết về Lam Luyến sẽ phải công phu nhất. Thì đành thay Lam Luyến bằng Bảo Chân vậy.

Bảo Chân nổi tiếng từ cuối những năm 80, cùng với Cây bàng thời gian và Phố chiều (?). Những bài thơ chép truyền tay nhau trong giới sinh viên ngày ấy:

Chẳng bao giờ ai đợi em dưới mưa
Như ngày xưa anh đã từng chờ đợi
Đôi vai ướt đầm mái đầu tóc rối
Cây bàng xanh lặng lẽ đứng bên thềm

Kỷ niệm qua rồi còn lại nhớ thương
Anh ra đi đêm mưa thành cổ tích
Em ở lại cành chơ vơ hờn trách
Lá bàng ơi giờ bay mãi về đâu ...


(Cây bàng thời gian)

Thơ Bảo Chân ngày ấy nhẹ nhàng, rất con gái. Tôi có cảm giác rằng ngay cả khi Bảo Chân xót xa thì nỗi buồn ấy vẫn thật khẽ khàng, chưa làm cho người ta phải sững sờ, phải bật khóc vì đớn đau và bất lực:

Khung cửa gầy bóng mẹ liêu xiêu
Cây bàng xanh sang mùa chớm đỏ
Em suốt đời chỉ là khách lạ
Lạc trong đường chiều phố không anh

(Phố chiều)

Vì thế tôi ngỡ ngàng khi gặp lại một Bảo Chân khác, một Bảo Chân đã lột xác hoàn tòan, với nỗi buồn của người thiếu phụ đã đạt đến độ chín - đằm thắm hơn, nhưng cũng đau đáu hơn - trong "Bài ca con sáo". Hình như bao giờ cũng thế, sự trải nghiệm giúp người ta trở nên đằm sâu hơn:

Sáo sang sông vắng
Một mình
Khản cổ hát lời giã biệt
Có ai lắng nghe
Dòng sông ngủ mê bầu trời ngủ mê
Lời ca bay mỏi cánh...


(Bài ca con sáo)

Hãy hình dung thế này. Một người con gái, có thể chính là cô gái đã từng "chơ vơ hờn trách" "anh ra đi đêm mưa thành cổ tích" như trong bài thơ của chị thủa trước - đang khóc cho ngày rẽ về bến khác. "Khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối. Khoảng thời gian chia nhuộm đỏ lá bàng". Đã muộn rồi, đã muộn quá mất rồi, tất cả đã trở thành ký ức, thành "bờ cũ" mất rồi, dù với cô thì quãng đời ấy vẫn mãi mãi trong trẻo, và tươi đẹp nhất:

Bờ cũ ơi,
Ta gửi lại ta về những xa xôi
Những ngày xuân xanh thắm
Ði đến mùa quả chín
Nắng còn nhớ chăng?
Ta gửi lại anh một nửa dòng sông
Một nửa đời ta trong mát
Ði qua cơn khát
Anh còn giữ không?

Có thể là tôi chỉ lẩn thẩn mà thôi; nhà thơ và nhân vật của nhà thơ không phải khi nào cũng trùng làm một. Biết thế, nhưng tôi vẫn cứ xót xa khi nghĩ về hành trình của một tình yêu, từ cây bàng đêm mưa thủa nào, và "khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối" giữa hai người trẻ tuổi, đến lời ca giã biệt day dứt, đầy tiếc nuối, bất lực của người thiếu phụ cô độc hôm nay:

Ta là con sáo lang thang
Nặng lòng bờ cũ
Biết đi đâu biết về đâu
Nơi nào cũng hun hút gió.

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 1:30am 29/10/03


Nguyễn Thị Hồng

Từ lâu tôi đã muốn viết một cái gì đó về thơ Nguyễn Thị Hồng, những vần thơ đằm thắm, dịu dàng đến day dứt mà khi soi mình vào đó mỗi chúng ta sẽ tìm được những thổn thức của chính nỗi lòng mình.

Nguyễn Thị Hồng viết thơ chưa nhiều, nhưng hai tập thơ “Em ra đi” và “Gọi thu” xuất bản đầu những năm 90 đã để lại một nốt trầm xao xuyến trong bất cứ người nào đã được một lần bước chân vào thế giới riêng ấy của nhà thơ.

Không có cái cuồn cuộn của tận cùng đam mê và cay đắng đầy cá tính như thơ Đoàn Thị Lam Luyến, cũng không có cái quyết liệt và khát vọng yêu đương rực cháy như thơ Xuân Quỳnh, thơ Nguyễn Thị Hồng lặng lẽ, đằm sâu và nhẹ nhàng như một lời tâm sự, nhưng trong lời tâm sự nhẹ nhàng ấy ta đọc được cả một nỗi nhức nhối khôn nguôi, một nỗi mong đợi mỏi mòn, một tình yêu nồng nàn, đằm thắm và dung dị.

Nhà thơ chưa bao giờ nói về nỗi buồn, sự khổ đau của tan tác sinh ly nhưng nỗi buồn đau đáu ấy cứ toát lên từ những vần thơ chân thật và giản dị:

Em ra đi
Để lại tất cả vẹn nguyên như cũ
Một dáng hình nao nao đầu phố
Một cái nhìn khắc khoải thiết tha

(Em ra đi)

Chẳng có ai viết về chia ly như thế: không một lời trách móc, đắng cay, không có cái tức tưởi cuả sự tan vỡ nhưng hỏi ai không đau đến thắt lòng trước khung cảnh nhà thơ gợi lên: một dáng người nao nao, một cái nhìn khắc khoải - chỉ có vậy mà ám ảnh khôn nguôi, một màu xanh mãi còn day dứt của một tình yêu đẹp tan vỡ:

Ta không giữ em làm kỷ niệm
Nghĩa gì đâu một lá cỏ úa tàn
Trong ta mãi còn day dứt
Cái màu xanh thắm thiết tươi non

(Lá cỏ )

Ngay cả sự hờn trách - nếu có - trong thơ Nguyễn Thị Hồng cũng nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà nhức nhối, mà thấm thía từng nỗi buồn đau:

Mai sau, vâng nếu mai sau
Cuộc đời gặp một người nào anh yêu
Trước khi cầm lấy tay nàng
Ôm vào lòng hãy nhớ rằng anh ơi
Một trưa tháng Sáu xa rồi
Một lần nào đó, một người nào đây
Hình như mình cũng cầm tay
Rồi để nàng lại một trời cô đơn.

(Mai sau)

Bao trùm cả hai tập thơ “Em ra đi” và “Gọi thu” là một tình yêu sâu nặng - của một cô gái ngất ngây trong tình yêu đầu đời, rồi của một người phụ nữ không có được cái may mắn lấy được người mình yêu, một người phụ nữ mòn mỏi trong những kỷ niệm đẹp của tình yêu đầu trong trắng, vẹn nguyên, không nhạt nhoà theo thời gian và sự chia cách về không gian.

Cô gái ngây ngất bao nhiêu trong tình yêu:

Ngồi xuống đám cỏ này đi anh
Hoa chấm trắng như trong mơ anh nhỉ
Mênh mang quá đất trời mình đẹp thế
Khi em có anh

thì người phụ nữ héo mòn bấy nhiêu trong những kỷ niệm về tình yêu ấy:

Chỉ còn trong giấc mơ thôi
Cho ta được gặp lại người ta yêu

(Giấc mơ)

Làm sao tìm được mùa thu dịu dàng
Người em yêu ơi bao mùa thu sang
Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy
Anh đưa em qua suối ngàn nước chảy
Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy
Anh về bến cũ vớt mùa thu lên

(Gọi thu)

Đẹp và buồn là thơ tình Nguyễn Thị Hồng. Khép lại cuốn sổ thơ rồi mà lòng vẫn man mác suy tư.

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 11:00pm 8/7/01


Lại ... văn học và thi ca Nga

Tôi là một kẻ lười đọc và cực đoan trong việc đọc. Dường như từ bé đến lớn tôi chỉ đọc duy nhất một thứ - các tác phẩm kinh điển. Và tôi khước từ những thứ mới mẻ, hiện đại, cập nhật khác. Âu cũng là bản tính của tôi, một kẻ sống nặng về quá khứ, ôm trong lòng nhiều hoài niệm, đến mức gần như chối từ hiện tại. Với tôi, nếu tình yêu đến một lần thì nó sẽ ở lại mãi mãi, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian ...

Và điều ấy đã xảy ra khi tôi "ngã vào mối tình đầu" với văn học và thi ca Nga, từ khi còn là 1 cô gái nhỏ.

Những đêm mùa hè tôi tắt điện ngồi ngắm sao trời, tưởng tượng ra đêm thảo nguyên mênh mông của Aitmatov - có tiếng sấm ì ầm từ xa, và những tia chớp xanh lặng lẽ trườn xuống phía chân trời. Có tiếng hát cháy bỏng của Danhyar, vang xa khắp cánh đồng, và cả tiếng thở dài rất khẽ của Giamilia nữa. Tình yêu lớn lao mà đau khổ của họ khiến tôi không thể nào ngủ được ...

Có phải là đa đoan quá không? Không biết nữa. Nhưng bạn tin được không, rất nhiều năm sau khi đọc lại những trang sách của Aitmatov, tôi vẫn có một cảm giác đau thắt như thế. Tôi vẫn muốn khóc khi đọc đọan kết của "Cây phong non trùm khăn đỏ". Vẫn bần thần khi nghĩ về mối tình câm lặng của "Người thầy đầu tiên". Tình yêu có thể đớn đau và day dứt đến thế sao?

Có thể nói tôi đã lớn lên cùng với những trang sách ấy. Những cảm xúc và cảm nhận đầu tiên của tôi về cái đẹp cũng bắt đầu từ những trang sách ấy. Bây giờ, nếu đề nghị tôi nói về văn chương Nga, tôi sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói những gì. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về văn chương Nga, có lẽ như ai đó đã từng nói, đó là nó "dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi", trong trẻo quá, và thuần khiết quá.

Nhưng nếu chỉ nói vậy về văn chương Nga, tôi e rằng chưa đủ. Và chắc cũng sẽ không bao giờ đủ để nói về nó cả.

Tôi yêu sự thuần khiết và đôn hậu của Pauxtovxki, tôi trăn trở cùng những "nỗi đau dịu ngọt" của Aitmatov. Và tôi cũng yêu vô cùng nỗi cô độc và sự bế tắc của Levmontov, của Exenhin. Những tâm hồn luôn khát khao bứt phá, vượt lên khỏi sự hạn hẹp và ngột ngạt của hoàn cảnh. Những cánh buồm đơn độc, khát khao bão tố, "dường như trong giông bão có yên bình"!

Văn chương như một thứ duyên nghiệp. Trong trường hợp của tôi, có lẽ tôi đã mắc vào duyên nghiệp với nước Nga. Một lần đến, nhưng tình yêu đó đã ở lại cùng tôi mãi mãi ...

Nguyễn Thuỷ Minh. Auckland 8 March 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.


Thống kê web